Chưa được giảm giá điện nhưng hoá đơn tiền điện đã tăng vọt, EVN nói gì?

EVN cho rằng hoá đơn tiền điện kì tháng 3 tăng vọt là do quy luật thời tiết, trời nắng nóng, khiến tiêu thụ điện năng tăng. Ngoài ra, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường nên sử dụng điện nhiều hơn bình thường.

Điện tăng theo quy luật thời tiết

Trước phản ánh của người dân về việc hoá đơn tiền điện kì tháng 3/2020 tăng vọt, thậm chí, một số hộ tăng 30-40% so với trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng  sản lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3/2020 tăng tới 8,5 % so với cùng kì năm trước, riêng Hà Nội tăng 17% và TP HCM tăng 13%.

Chưa được giảm giá điện, hoá đơn tiền điện tăng vọt, EVN nói gì? - Ảnh 1.

EVN cho rằng hoá đơn tiền điện tăng vọt là do quy luật của thời tiết, trời nắng nóng, khiến tiêu thụ điện năng tăng. (Ảnh: EVN).

Phản hồi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhắc đến quy luật thời tiết khiến, việc tiêu thụ điện năng tăng vọt.

"Theo quy luật thời tiết, tháng 3 hàng năm, khu vực phía Nam bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Riêng tháng 3/2020, có một số đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài, với mức nhiệt độ trên 35 độ C. Việc sử dụng các thiết bị làm mát tiêu thụ nhiều điện năng, nhất là máy lạnh là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lượng điện tiêu thụ tăng", EVN lí giải.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng khiến các thiết bị làm mát tiêu tốn nhiều điện hơn, do chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng.

Từ đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó.

Kiểm tra ngay trường hợp điện năng tiêu thụ tăng trên 30%

Ngoài ra, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong cao điểm mùa khô, nắng nóng, các tổng công ty điện lực đã tăng cường lực lượng điện thoại viên để kịp thời giải đáp thắc mắc, khiếu nại của khách hàng.

Cụ thể, trong vòng 24h kể từ khi tiếp nhận ý kiến của khách hàng về hóa đơn tiền điện, nhân viên điện lực sẽ phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kì, hóa đơn tiền điện. 

"Đặc biệt, với những hóa đơn có mức tăng trên 30%, các tổng công ty điện lực sẽ tiến hành phúc tra 100% chỉ số công tơ trước khi phát hành tới khách hàng. Việc phúc tra sẽ do bộ phận độc lập thực hiện", EVN cho biết.

Các tổng công ty điện lực cam kết bố trí đủ nhân lực và phương tiện để kiểm tra, đối soát và có giải đáp thỏa đáng cho khách hàng, kể cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội hiện nay.

EVN cũng khuyến nghị người dân khi có những thắc mắc, khiếu nại về hóa đơn tiền điện, hoặc có nhu cầu về dịch vụ điện, có thể liên hệ tổng đài khu vực, qua ứng dụng SMS, Viber, Zalo, email hoặc qua Cổng Dịch vụ công quốc gia để được hỗ trợ giải quyết.

Làm gì để tiết kiệm điện?

EVN cho biết thực tế, trước những khó khăn của nguồn điện năm 2020, ngay từ đầu mùa nắng nóng, tập đoàn đã có những khuyến cáo, tư vấn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng nóng, để tránh việc hóa đơn tiền điện tăng cao.

Trong thời gian nắng nóng này, để giảm chi phí tiền điện, EVN khuyến cáo người dân tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, sử dụng các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, để điều hoà nhiệt độ từ 26 độ trở lên.

Đặc biệt, người dân nên tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, vì không chỉ tiết kiệm điện mà còn có ý nghĩa phòng dịch Covid-19. Bộ Y tế khuyến cáo người dân giữ thông thoáng nhà cửa để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.