Thống nhất cho EVN giảm giá điện hỗ trợ người dùng ảnh hưởng dịch Covid-19, yêu cầu không được bù lỗ, tăng giá vào năm sau

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thống nhất chủ trương giảm giá điện của EVN, nhưng đề nghị doanh nghiệp phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ, và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương bàn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vì dịch Covid-19, diễn ra sáng nay, 10/4, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ đang và sẽ phối hợp tính toán để điều chỉnh giảm giá một số hàng hoá, dịch vụ đầu vào quan trọng.

Mặt hàng giảm giá đầu tiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã góp ý về đề xuất giảm giá điện vừa qua của Bộ Công Thương.

Thống nhất cho EVN giảm giá điện cho người dân nhưng không được tăng giá vào năm sau - Ảnh 1.

Bộ Tài chính thống nhất cho EVN giảm giá điện nhưng không được gây áp lực tăng giá vào năm sau. (Ảnh: EVN).

Ông cho biết Bộ Tài chính thống nhất chủ trương giảm giá điện cho một số đối tượng chịu tác động bởi dịch mà Bộ Công Thương đề xuất theo kiến nghị của EVN.

Qua rà soát cả 2 phương án của Bộ Công Thương và EVN, nguồn kinh phí thực hiện là giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN. Ông cho rằng điều này cũng tác động làm giảm các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế và lợi nhuận sau thuế so với dự toán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị EVN phải có phương án cân đối, để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí…). Đề nghị EVN rà soát, tính toán lại chi phí mua điện năm 2020, các thông số đầu vào như giá than, dầu, khí, tỉ giá, sản lượng, cơ cấu sản lượng điện vào để giảm giá.  

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm đối với các mặt hàng khác, như than, gas, xăng dầu, đã điều hành theo cơ chế thị trường. Đáng chú ý, mặt hàng xăng dầu, gas tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 4, dù đã giảm sâu trong hai tháng 2-3/2020.

Trước đó, Bộ Công Thương đã đề xuất miễn, giảm giá điện cho khách hàng sinh hoạt, khách hàng sản xuất, khách trong lĩnh vực du lịch và các khu vực cách li, điều trị Covid-19.

Cụ thể, khách hàng sinh hoạt được đề xuất giảm 10% đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4. Các bậc thang cao trên 300 kWh, Bộ đề xuất giữ nguyên.

Với khách hàng sản xuất, mức giảm giá điện ở tất cả khung giá cao điểm, bình thường và thấp điểm đều giảm 10% so với biểu giá tại Quyết định 648.

Đối với khách hàng du lịch, Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ, xuống bằng áp giá cho họ sản xuất, và bắt đầu từ tháng 4. 

Đồng thời, miễn tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách li, khám chữa bệnh tập trung chỉ liên quan dịch Covid-19. Giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghị nhiễm, đã nhiễm Covid-19 và các khách sạn được sử dụng để cách li.

Ước tính, tổng số tiền hỗ trợ miễn giảm điện cho các đối tượng trên khoảng gần 11.000 tỉ đồng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.