Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo đến giữa tháng 6, vì dịch Covid-19

Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ loại thường đến ngày 15/6/2020, nhằm bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng, về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020.

Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Công Thương, tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo Thủ tướng phương án điều hành xuất khẩu gạo.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020. Riêng gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm vẫn đề nghị tiếp tục xuất khẩu bình thường.

Đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến giữa tháng 6 vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến giữa tháng 6. (Ảnh: Thanh Niên).

Bộ Tài chính cho rằng thời gian này nên tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường, nhằm bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng, về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020.

Bộ Tài chính cho biết chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia trong năm nay được giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa thường.

Vì tình hình xuất khẩu tăng, nên có tình trạng các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia (đến ngày 4/3 đã đấu thầu 178.000 tấn trên 190.000 tấn theo kế hoạch) kéo dài thời gian kí hợp đồng, cũng như không thực hiện thương thảo hợp đồng. 

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ, tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến giữa tháng 6, sau khi đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch được giao, các Bộ tiếp tục điều hành xuất khẩu linh hoạt, phù hợp thực tế.

Bộ Tài chính cũng giao Tổng cục Hải quan giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu đối với các loại gạo, như gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm. Đồng thời, giám sát việc dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) và các công ty thành viên ưu tiên kí hợp đồng với số lượng gạo đã trúng thầu, tại các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực. 

Bộ Công Thương quản lí số lượng gạo được phép xuất khẩu, chỉ áp dụng với gạo xuất khẩu đi nước ngoài, không áp dụng với hàng xuất khẩu tại chỗ, hàng xuất biếu tặng hay tạm nhập tái xuất, quá cảnh.

Bộ Công Thương vừa đề nghị tháng 4 xuất 400.000 tấn gạo

Trước đó, ngày 23/3, Bộ Công Thương đề xuất dừng xuất khẩu gạo tới cuối tháng 5 để đảm bảo an ninh lương thực. Một ngày sau, Bộ này lại đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo. 

Ngày 6/4, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Chính phủ có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5/2020.

Đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến giữa tháng 6 vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Hôm 6/4, Bộ Công Thương vừa tiếp tục đề xuất xuất khẩu gạo, tháng 4 xuất 400.000 tấn. (Ảnh: Phúc Minh).

Sau khi tính toán và cân đối lượng gạo dự trữ, Bộ Công Thương cho rằng trước mắt tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

Bộ Công Thương khẳng định phương án mới nhất về điều hành xuất khẩu gạo này, dựa trên thực tế tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kì hoàn cảnh nào.

Đồng thời, quyết định cũng được đưa ra dựa trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, có biện pháp hợp lí để duy trì chuỗi sản xuất lúa gạo; hỗ trợ tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân với giá tốt; bảo đảm mục tiêu kép là duy trì sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.