Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo nhưng yêu cầu không được để thiếu trong nước

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4/2020 là 400.000 tấn, như đề xuất của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo, trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, căn cứ ý kiến tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 31/3/2020, và xét đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4/2020 như đề xuất của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo nhưng tuyệt đối không để trong nước thiếu gạo trong mọi tình huống - Ảnh 1.

Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo nhưng tuyệt đối không để trong nước thiếu gạo giữa dịch Covid-19. (Ảnh: VnExpress).

Cụ thể, tại văn bản ngày 6/4, Bộ Công Thương cho biết sau khi tính toán kĩ lưỡng thì lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800.000 tấn.

Căn cứ vào lượng gạo 800 nghìn tấn này, Bộ Công Thương cho rằng trước mắt tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo. Tuy nhiên, vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

Các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về các nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất.

Tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền, khẩn trương quyết định và triển khai thực hiện phương án xuất khẩu gạo nêu trên và các quy định hiện hành; bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ liên quan, báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020, trước ngày 25/4/2020. 

Bộ này có trách nhiệm xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài kể cả đến hết năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2020.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lí, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu theo đề xuất của Bộ Công Thương, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách; kịp thời cung cấp số liệu xuất khẩu gạo theo đề nghị của Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo chỉ tiêu, kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt, đồng thời nghiên cứu việc mua tăng thêm mức dự trữ nếu cần thiết.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp phối hợp với địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần phù hợp cho xuất khẩu.

Cách đây 2 ngày, Bộ Tài chính lại đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ loại thường đến ngày 15/6/2020, nhằm bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng, về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020. 

Riêng gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm vẫn đề nghị tiếp tục xuất khẩu bình thường.

Bộ Tài chính cho rằng thời gian này nên tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường, nhằm bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng, về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020. Theo đó, chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia trong năm nay được giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa thường. Sau khi đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch được giao, các Bộ tiếp tục điều hành xuất khẩu linh hoạt, phù hợp thực tế.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.