Bộ Nông nghiệp: Không ai muốn chăn nuôi mà lại đi nhập khẩu thịt heo, nhưng phải đảm bảo mỗi nhà đều có thịt ăn Tết

Cục chăn nuôi cho biết nhập khẩu thịt heo là do thiếu nguồn cung và theo quy luật thị trường, đảm bảo mỗi nhà đều có thịt heo ăn Tết. Thịt nhập khẩu đủ 3 tiêu chí về chất lượng, xuất xứ, hạn sử dụng nên giá nhập sẽ không rẻ.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề Phát triển ngành chăn nuôi, từ góc nhìn chống dịch tả heo châu Phi, diễn ra chiều nay, 26/11, lãnh đạo hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Bộ Công Thương đã đưa ra những nhìn nhận về tình hình thiếu hụt nguồn cung thịt heo trong các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tí 2020.

Lãnh đạo hai Bộ cho rằng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhập khẩu thịt heo là việc phải làm trong các tháng cuối năm.

Không ai muốn chăn nuôi lại phải nhập khẩu thịt heo

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết theo tính toán sơ bộ, từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tí 2020, nguồn cung thịt heo trong nước sẽ hụt khoảng 200.000 tấn, do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi từ đầu năm đến nay.

Ông Tuấn khẳng định nguồn cung chắc chắn sẽ thiếu hụt. Nếu tình trung bình, 2 tháng 11-12/2019 và tháng 1/2020, nguồn cung thịt heo mỗi tháng sẽ thiếu khoảng 70.000 tấn.

7-1508129855063

Cục chăn nuôi cho biết nhập khẩu thịt heo là do thiếu nguồn cung và phải đảm bảo mỗi nhà đều có thịt heo ăn Tết. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Theo ông, chăn nuôi heo là cả quá trình cần nhiều thời gian, chúng ta không thể tự túc ngay được nguồn cung thịt heo bị thiếu thời điểm này. Vì vậy, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp đã đề xuất nhập khẩu, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong các tháng cuối năm, nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người chăn nuôi và người tiêu dùng.

"Hiện có khoảng 24 nước quan hệ hai chiều nhập khẩu và xuất khẩu thịt heo với Việt Nam. Với sự kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương phối hợp ngành nông nghiệp tiếp cận các nước thuộc các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Các doanh nghiệp lớn quan tâm đến việc nhập khẩu thịt heo thì phối hợp để đưa sản phẩm về nước phục vụ thị trường cuối năm", ông Tuấn nói.

Nói thêm về việc nhập khẩu thịt heo phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết các doanh nghiệp lớn tự cân đối tình hình và lợi ích của để thực hiện nhập khẩu.

"Không ai chăn nuôi mà muốn đi nhập khẩu thịt, tình hình hiện nay là do thiếu hụt. Đây là quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường. Cũng phải nói thêm rằng, thịt nhập khẩu đủ 3 tiêu chí về chất lượng, xuất xứ, date sản phẩm, do đó giá thành nhập cũng sẽ cao lên. Tình hình cuối năm dù thiếu hụt đến đâu vẫn phải đảm bảo mọi nhà đều có thịt heo ăn Tết như chỉ đạo của Phó Thủ tướng", ông Nguyễn Xuân Dương bày tỏ.

Doanh nghiệp lớn đang thiệt thòi

Về diễn biến giá heo hơi trong nước tại một số địa phương hiện nay dù không còn tăng phi mã như trước, nhưng giá vẫn đang neo ở mức cao, gần ngưỡng 80.000 đồng/kg, lãnh đạo hai Bộ cho rằng mức giá này mang tính cục bộ, chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn heo sau dịch tả đẩy giá cao, muốn giữ lại để có được mức giá tốt hơn nữa.

"Bây giờ heo hơi chủ yếu còn tại doanh nghiệp lớn, hộ nhỏ lẻ rất ít, có thể dẫn đến găm hàng. Hộ nhỏ lẻ chăn nuôi có giá đầu vào tăng thì giá tăng. Chúng tôi  đã chỉ đạo đưa hàng trở lại bình thường cung cấp", Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn cho biết.

duong

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết các doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn đã cam kết giữ giá ổn định trong tình hình hiện nay. (Ảnh: VGP).

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, thực tế giá heo hơi các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, khép kín đang cố giữ thấp hơn các hộ nhỏ lẻ, nông trại khoảng 10.000 đồng/kg heo hơi.

Cụ thể, hiện các doanh nghiệp này đang đưa heo ra thị trường với giá duy trì ở mức 65.000-68.000 đồng/kg, trong khi đó, thị trường bên ngoài là khoảng 76.000-77.000 đồng/kg.

"Các doanh nghiệp này trao đổi thẳng thắn rằng họ đang rất thiệt thòi sau gần 1 năm chống chọi dịch tả châu Phi. Trước tháng 10, giá heo hơi chỉ khoảng 41.000-43.000 đồng/kg hoặc thấp hơn, từ tháng 11 giá bắt đầu tăng cao, lẽ ra họ cũng phải bán ra cao để  bù đắp nhưng doanh nghiệp vẫn cam kết giữ giá. Mức giá từ 60.000-65.000 đồng/kg đã có lợi nhuận, nhưng phải là lâu dài mới bù đắp được và khiến ngành chăn nuôi bền vững", ông Dương nói.

Đại diện Cục chăn nuôi cũng cho biết thêm nếu giá heo hơi trên thị trường tăng quá cao, khiến mức giá lệch giữa các nước, heo từ Campuchia, Lào… và heo từ các thị trường này sẽ đẩy vào Việt Nam, khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên phức tạp hơn.