Thịt heo lên 200.000 đồng/kg, thực phẩm đội giá theo, heo hơi lại chạy qua Trung Quốc

Dù đã có lệnh cấm vận chuyển heo theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc để hưởng giá bán chênh lệch, nhưng tình hình này vẫn diễn ra. Theo Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhiều thương lái đang gom heo tại miền Nam ra Bắc để bán sang Trung Quốc, với mức giá tốt hơn.

Thực phẩm đội giá theo thịt heo

Sau 2 tuần tăng liên tục, hiện giá heo hơi tại nhiều tỉnh miền Bắc đã chạm mức 80.000 đồng/kg. Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, giá heo hơi nhiều tỉnh thành như Long An, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang… đã  72.000-73.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, nơi cung cấp thịt heo chính cho TP HCM và tỉnh lân cận, hiện giá heo hơi tại các hộ chăn nuôi, trang trại nhỏ lẻ dao động từ 73.000-75.000 đồng/kg.  Tuy nhiên, do nguồn cung không còn dồi dào, nhất là tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên để mua được heo tại các hộ này, thương lái vẫn sẵn sàng trả cao hơn mức trung bình.

thitheotaichodaumoihocmon_anhngocduong27_hycc

Giá heo phía Nam phía Nam tăng liên tục 2 tuần qua. (Ảnh: Thanh Niên).

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp Đồng Nai, tổng đàn heo trên địa bàn đã giảm đến 40%, tức chỉ còn khoảng 1,4 triệu con, giảm từ mức  2,5 triệu con trước khi dịch tả châu Phi xảy ra.

Tại các chợ TP HCM, giá thịt heo đã lên trên 200.000 đồng/kg tùy loại. Giá thịt cao kéo theo nhiều sản phẩm chế biến từ thịt heo cũng tăng theo. Như giá các loại giò chả, lạp xưởng 1-2 tháng trước ở mức 120.000-150.000 đồng/kg nay tăng lên 150.000-210.000 đồng. Các loại chà bông, giăm bông, nem... cũng tăng giá thêm 30.000 - 50.000 đồng/kg so với đầu tháng 9.

Ăn theo thịt heo tăng giá, thịt bò, hải sản, thịt gà bán tại chợ cũng được tiểu thương đẩy giá thêm khoảng 10%. Tiểu thương lí giải do người dùng giảm mua thịt heo và nhu cầu với các sản phẩm khác tăng mạnh. Tại chợ Phước Bình, quận 9, giá thịt thăn bò tơ Củ Chi từ 200.000 đồng/kg vào tuần trước nay lên 220.000 đồng/kg, ba rọi bò tơ Củ Chi từ 155.000đ/kg lên 175.000 đồng; tôm thẻ loại vừa từ 220.000 đồng/kg cũng tăng lên 240.000 đồng/kg... Các điểm bán cơm tấm, hủ tiếu bình dân cũng ăn theo tăng giá 2.000-5.000 đồng/phần.

Có hiện tượng heo Việt Nam chạy sang Trung Quốc, heo Campuchia chạy vào Việt Nam

"Sự chênh lệch giá heo hơi khiến có hiện tượng chạy heo giữa các tỉnh thành. Nhiều thương lái gom heo tại miền Nam ra Bắc để bán với mức giá tốt hơn", ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Đoán, tình hình vận chuyển heo giữa các địa phương đã không còn nhiều như trước đây, bởi mức chênh lệch không còn quá nhiều. Thay vào đó, đang có xu hướng vận chuyển heo ra Bắc nhưng lại là tìm đường sang Trung Quốc để bán được với mức giá cao gấp 2 so với mức bán ra tại Việt Nam.

IMG_6667

Cơ quan chức năng phát hiện thịt heo được vận chuyển sang Trung Quốc hôm 15/11. (Ảnh: QLTT).

 Nguyên nhân là khủng hoảng thịt heo tại Trung Quốc đang khiến nước này thiếu nguồn cung trầm trọng, đẩy giá bán trên thị trường tăng gấp nhiều lần so với trước. 

Mới đây, Tổng cục Quản lí thị trường đã phát hiện và xử lí một trường hợp vận chuyển hơn 2 tấn giò heo đông lạnh, lòng heo ướp muối qua biên giới phía Bắc. 

Ngoài ra, tình hình vận chuyển heo qua biên giới vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh giáp Campuchia. Nguyên nhân cũng là chênh lệch giá heo hơi bán ra tại Việt Nam và Campuchia. 

Một số người chăn nuôi trên địa bàn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cho biết, việc vận chuyển heo qua lại biên giới diễn ra phổ biến và tinh vi. Thương lái 2 nước thường lựa chọn thời điểm nửa đêm và vận chuyển trên cả đường bộ lẫn đường thủy.

Phát hiện heo vận chuyển qua biên giới sẽ tiêu hủy ngay

Tại cuộc họp khẩn mới diễn ra bàn về giải pháp ổn định giá heo trong nước và đảm bảo nguồn cung cuối năm, Tết đến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thừa nhận, vẫn còn hiện tượng vận chuyển heo theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc nhằm hưởng giá chênh lệch.

IMG_8249 2

Giá thịt heo bán tại chợ Việt Nam tăng cao nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều Trung Quốc là lí do có hiện tượng chuyển heo sang nước này bán lấy chênh lệch. (Ảnh: Phúc Minh).

Đáng chú ý, tình trạng này vẫn diễn ra dù tháng trước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tả heo châu Phi có công văn gửi Thường trực Ban Chỉ đạo 389, UBND các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra tình hình vận chuyển heo qua lại giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Công văn yêu cầu xử lí nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo, sản phẩm heo, ra vào Việt Nam. 

Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay, tuy nhiên, trước khi tiêu hủy lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh hiện Việt Nam và Trung Quốc chưa kí kết chính thức việc xuất khẩu heo chính ngạch. Ông yêu cầu các trang trại, doanh nghiệp tuyệt đối không được xuất khẩu heo tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/11, số heo bị tiêu hủy vì dịch tả là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng đạt 337.000 tấn, chiếm gần 9% tổng trọng lượng heo cả nước.

Tính đến nay, đã có 54% số xã có dịch qua 30 ngày, trong đó 25 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và 9 tỉnh có hơn 85% xã dịch đã qua 30 ngày không tái phát, tỉnh Hưng Yên cơ bản đã hết dịch. 

Do đó, việc vận chuyển heo qua lại giữa các tỉnh thành và giữa các nước có khả năng làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh dịch tả châu Phi.