Hưng Yên công bố hết dịch tả châu Phi, giá heo hơi tại tỉnh này đang lên gần 80.000 đồng/kg

Toàn bộ 151 xã, phường, thị trấn tại Hưng Yên - tỉnh đầu tiên của Việt Nam xuất hiện dịch tả heo châu Phi vào đầu năm nay, cũng trở thành tỉnh đầu tiên công bố hết dịch tả heo châu Phi. Giá heo hơi tại Hưng Yên đang neo ở mức cao nhất cả nước: Gần 80.000 đồng/kg.

Suốt 2 tháng qua, các vùng từng xuất hiện dịch tả heo châu Phi tại tỉnh Hưng Yên đều đã được khống chế. Theo thống kê của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh này, từ ngày 15/9 đến nay, không có huyện nào nào báo cáo phát sinh heo bệnh, buộc phải tiêu hủy.

Hồi cuối tháng 9, khoảng 80% các huyện thuộc tỉnh Hưng Yên công bố hết dịch và đến nay, toàn bộ 151 xã, phường, thị trấn đều công bố hết dịch tả heo châu Phi.

images1376411_13_48_30_h1jpg

Hưng Yên trở thành tỉnh đầu tiên công bố hết dịch tả heo châu Phi. (Ảnh: Báo Hưng Yên).

Hưng Yên chính là tỉnh đầu tiên phát hiện dịch tả châu Phi trên cả nước vào đầu năm nay. Sau đó, dịch tả bắt đầu diễn biến phức tạp tại Hưng Yên, lan sang Thái Bình và nhiều tỉnh thành phía Bắc khác, trước khi dịch lan rộng khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Từ ngày phát hiện ổ dịch đầu tiên, tính đến nay, Hưng Yên đã tiêu hủy gần 200.000 con heo tại hơn 11.000 hộ chăn nuôi. Hiện, tổng đàn heo của tỉnh có hơn 400.000 con, trong đó tổng số heo nái, heo hậu bị khoảng 80.000 con. 

Trong cơn sốt giá heo hơi đang diễn ra, Hưng Yên là tỉnh có giá heo hơi thương lái thu mua cao nhất cả nước. Trong hôm nay, ngày 18/11, giá heo hơi tại Hưng Yên dao động khoảng 76.000-78.000 đồng/kg, chênh lệch từ 2.000-4.000 đồng/kg so với các tỉnh còn lại của miền Bắc.

Hộ nhỏ lẻ tự tái đàn sẽ không được hỗ trợ nếu xảy ra dịch

Sau khi công bố hết dịch, Hưng Yên đang tập trung tăng đàn, tái đàn nhằm đảm bảo nguồn cung cấp heo trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tái đàn chỉ làm từng bước chặt chẽ để không tái dịch.

Chủ trương của tỉnh Hưng Yên hiện nay chỉ tái đàn có trọng điểm và đối với các cơ sở chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Các cơ sở phải quản lí được vận chuyển và khử trùng tiêu độc định kì. 

qdthitheochophamvanhai6-3read-only-15711538691851615738219

Hưng Yên đang tập trung tái đàn nhằm đảm bảo nguồn cung thịt heo trong thời gian tới. (Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ).

Với con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm bệnh, phải được nuôi cách li ban đầu, sau đó lấy mẫu xét nghiệm âm tính thì mới nhập đàn, đồng thời được yêu cầu tiêm phòng bắt buộc các loại vaccine phòng bệnh.

Hưng Yên khuyến khích các hộ chăn nuôi quy mô lớn tái đàn, đối với chăn nuôi nhỏ lẻ thì tạm dừng chăn nuôi heo, vì hiện chưa có vaccine phòng dịch. Nếu hộ nào cố tình tái đàn không báo cáo, không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, không may bị dịch tả heo châu Phi thì sẽ không được hỗ trợ.

Để phòng tránh dịch bệnh, tỉnh Hưng Yên đang triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Chi cục Thú y tỉnh đã cấp 17.000 lít hóa chất khử trùng Sakan - Povidine 10% tới trạm thú y các huyện, thành phố, thị xã.

Mỗi huyện, thành phố, thị xã được cấp từ 1.600-2.600 lít hóa chất khử trùng, ưu tiên phun khử trùng tại những nơi có ổ dịch cũ, khu vực chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm…

Tại Bắc Giang, báo cáo mới đây của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Lê Văn Dương, có 208/230 xã qua 30 ngày không phát sinh dịch. Ngay từ đầu tháng 8, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh ra ngay các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tái đàn. 

Cũng như Hưng Yên, Bắc Giang chỉ cho phép tái đàn với các trang trại, doanh nghiệp đủ điều kiện theo mô hình an toàn sinh học, tránh tối đa để dịch tái phát trở lại.

Đại diện Bộ Nông nghiệp cũng khẳng định do dịch tả đang từng bước được kiểm soát nên phải ngăn chặn việc vận chuyển sản phẩm heo giữa các nước xung quanh, giữa các tỉnh với nhau cũng như việc lưu thông sản phẩm heo sau giết mổ, để hạn chế lây lan mầm bệnh.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.