Giá thịt heo lên 200.000 đồng/kg, người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn, hồi hộp sợ dịch tả châu Phi quay lại

Heo hơi tại Đồng Nai đã có giá 75.000 đồng/kg. Thịt tại nhiều chợ lẻ ở TP HCM và các điểm bán thịt sạch đã niêm yết mức giá 170.000-250.000 đồng/kg. Với mức giá chưa từng có từ trước đến nay, người chăn nuôi đang có nhu cầu tái đàn rất cao. Tuy nhiên, nhiều người có kinh nghiệm khẳng định nuôi heo thời điểm này như một canh bạc, có thể mất trắng lần hai.

Heo hơi gần 80.000 đồng/kg, người chăn nuôi "thèm" tái đàn

Hai tuần trở lại đây, giá heo hơi trên cả nước liên tục lập kỉ lục mới.

Tại thị trường phía Nam, vùng chăn nuôi heo Đồng Nai, nơi có tổng đàn rất lớn, cung cấp nguồn heo chủ yếu cho TP HCM và các tỉnh thành lân cận, giá heo hơi xuất chuồng tại nhiều huyện đang ở mức 72.000-75.000 đồng/kg. So với mức giá trước đó, giá này đã tăng đến 10.000 đồng/kg.

IMG_8258

Giá heo hơi tăng mạnh, đẩy giá thịt bán lẻ tại các chợ dân sinh lên gần 200.000 đồng/kg nhưng nguồn thịt không dồi dào như trước. (Ảnh: Phúc Minh).

Với giá bán tại chuồng lên đến 75.000 đồng/kg, heo hơi Đồng Nai đã lập kỉ lục về mức giá cao nhất trong khoảng 5 năm qua, và cao gần gấp đôi thời điểm dịch tả châu Phi bắt đầu xuất hiện trên địa bàn hồi tháng 5.

Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều tỉnh như Bến Tre, Long An, Tiền Giang… giá heo hơi đang dao động quanh mốc 68.000 -73.000 đồng/kg.

Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc vẫn tiếp tục duy trì ở mức giá rất cao, không thấp hơn 72.000-73.000 đồng/kg. Mức giá kỉ lục đang được thương lái thu mua tại Hưng Yên, Yên Bái và Lào Cao, lên đến 78.000 đồng/kg. 

IMG_8252

Giá thịt heo tại các siêu thị trên địa bàn TP HCM cũng được điều chỉnh tăng liên tục sau khi thành phố quyết định tăng giá thịt bình ổn thị trường 14.000-51.000 đồng/kg chỉ trong một tháng qua. (Ảnh: Phúc Minh).

"Giá heo hơi tăng liên tục, thương lái lùng từng nhà gom mua đang khiến người chăn nuôi thèm tái đàn hơn bao giờ hết. Ai cũng muốn vớt vát lại vốn liếng sau đợt dịch mấy tháng qua", ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhận định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết thêm nhu cầu tái đàn đang cao hơn bao giờ hết. Nhiều tháng nay, các hộ chăn nuôi heo dính dịch tả buộc tiêu hủy, đã chuyển sang nuôi gà, vịt nhưng giá gà vài tháng qua giảm sâu càng khiến họ lỗ thêm.

Tái đàn hiện nay như canh bạc may rủi?

Dù nôn nóng tái đàn nhưng thực tế, người chăn nuôi vẫn nơm nớp lo sợ về sự trở lại của dịch tả heo châu Phi.

Anh Trung - một hộ chăn nuôi tại Đồng Nai, cho biết nhóm bạn bè toàn những người chuyên về chăn nuôi nhưng hiện không ai dám tái đàn, dù giá cao heo hơi cao ngất hiện nay. 

"Thực tế, không ai biết dịch tả heo châu Phi có xảy ra trên đàn heo của mình hay không, nếu tiếp tục mạo hiểm thì khả năng sẽ mất trắng. Anh bạn tôi tiêu hủy hết đàn cách đây 3 tháng, gần như ám ảnh nghề nuôi heo. Một người khác vừa bán được đàn heo với giá 72.000 đồng/kg cũng không dám đánh cược với số tiền lời vừa có được", anh Trung nói.

1-2-2

Tuy nhiên, tái đàn hiện nay được xem là canh bạc may rủi. (Ảnh: Báo Nông nghiệp VN).

Tương tự, anh Lý Văn Hương - chủ một trang trại lớn tại Bình Thuận, đã tiêu huy hơn 3.000 con heo do dịch tả châu Phi, gọi dịch này là một "bóng ma" với những người chăn nuôi. Hơn 10 năm kinh nghiệm chăn nuôi, trang trại của anh Hương đã không thoát khỏi dịch này hồi 5 tháng trước.

Theo anh, nôn nóng tái đàn hiện nay là một tâm lí rất bình thường. Tuy nhiên, qua quan sát và ghi nhận từ những người chăn nuôi từng có heo bị dịch tả, quay lại tái đàn, anh nói gần như 80-90% heo tiếp tục bị dịch. Vì vậy, anh vẫn chưa chuẩn bị tâm lí sẵn sàng để quay trở lại nghề nuôi heo. Có thể anh sẽ chuyển sang nuôi gia cầm hoặc tìm loại hình sản xuất nào khác thay thế, chờ đến khi có vắc xin phòng bệnh mới dám quay trở lại với công việc mà anh đã gắn bó hơn 10 năm qua.

Anh Hương cho rằng tái đàn trong tình hình hiện nay, chỉ có những trang trại lớn, đủ điều kiện an toàn sinh học, đủ điều kiện tài chính mới dám thực hiện. Riêng những người chăn nuôi nhỏ lẻ, hoặc trang trại theo mô hình hở chưa đảm bảo tuyệt đối an toàn sinh học thì không nên.

Ông Nguyễn Kim Đoán xác nhận có tình trạng người chăn nuôi đã tái đàn vì nôn nóng, nhưng đàn heo không qua khỏi do dịch tả trở lại. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thành công. Ông Đoán cho rằng việc tái đàn trong thời điểm điểm này là "rất khó nói, mang tính may rủi như một canh bạc".

Vì vậy, ông khẳng định, quan điểm của tỉnh Đồng Nai là chỉ chấp nhận cho những trang trại quy mô đủ điều kiện an toàn sinh học mới được tái đàn.

Trả lời trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết chỉ khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại tái đàn, đảm bảo nguồn cung.