Giá heo hơi tăng kỉ lục, Cục chăn nuôi nói không phải do khan hiếm, đang có hiện tượng thổi giá, mua bán chụp giựt

Đại diện Cục chăn nuôi cho biết giá heo tăng đột biến không phải do thiếu nguồn cung, mà do khâu lưu thông khiến người chăn nuôi, thương lái thổi giá, đối tượng kinh doanh chụp giựt càng đẩy giá heo hơi lên cao.

Cục chăn nuôi: Có hiện tượng nâng giá, mua bán chụp giựt

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến đảm bảo cung cầu thịt heo dịp Tết Nguyên đán Canh Tí 2020, diễn ra hôm nay, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định nguồn cung heo hiện không phải khan hiếm. Thông tin về nguồn heo tại từng địa phương chưa rõ ràng đã gây tâm lí hoang mang, dẫn đến người dân và thương lái nâng giá bán, khiến giá heo tăng đột biến như hiện nay. 

Ngày 14/11, giá heo hơi tại thị trường miền Bắc tiếp tục tăng cao. Thái Nguyên tăng thêm 3.000 đồng/kg lên 76.000 đồng/kg. Các tỉnh thành như Hà Nội, Hà Nam và Thái Bình cùng ở mốc 76.000 đồng/kg.

Hai tỉnh Lào Cai và Hưng Yên đang duy trì mức giá cao nhất, đến 78.000 đồng/kg. Các tỉnh từ miền Trung đến miền Tây cũng tăng không ngừng, nhiều nơi tại miền Trung đang ở mức 75.000-76.000 đồng/kg. Trong khi đó, miền Nam đang có giá thấp nhất cũng lên 72.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá heo hơi cao kỉ lục trong nước nhiều năm qua.

1

Đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định giá heo hơi tăng đột biến không phải do thiếu nguồn cung mà vấn đề nằm ở khâu lưu thông và thông tin về giá. (Ảnh: Báo Ninh Thuận).

Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, nguyên nhân khiến giá heo tăng đột biến trong thời gian ngắn vừa qua không phải do thiếu nguồn cung mà vấn đề nằm ở khâu lưu thông và thông tin về giá. Vị này lập luận so với thời điểm dịch tả heo châu Phi xảy ra, ước tính đến nay số heo bị thiệt hại khoảng 8,5% tổng đàn cả nước, tương đương 3,8 triệu tấn thịt. 

Do thông tin về nguồn heo tại từng địa phương chưa rõ ràng nên gây tâm lí hoang mang, dẫn đến người dân và thương lái nâng giá bán. Vị này cho rằng có nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, thu mua chụp giựt nên càng đẩy giá heo hơi lên cao.

Đồng thời, các hộ chăn nuôi quy mô lớn đã kí kết với các công ty lớn bao tiêu nên thương lái không thể tiếp cận được hộ này, buộc phải mua tại các hộ nhỏ lẻ giá cao. 

Song song đó, lợi dụng việc giá heo hơi tăng cao, có hiện tượng "găm heo", heo đã đạt trọng lượng xuất chuồng nhưng không bán, neo lại để chờ giá cao hơn, khiến cầu vượt cung.

Ngoài ra, có nhiều thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau dẫn đến hiệu ứng xã hội, gây bất lợi cho quan hệ cung cầu thịt heo trên thị trường.

Tranh thủ tái đàn đảm bảo nguồn cung cho Tết

Về tình hình đảm bảo nguồn cung thịt heo cho thời điểm cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Canh Tí 2020 chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp nhận định nhu cầu sử dụng thịt dự báo sẽ tăng cao từ 5-7%.

Vì vậy, Cục Thú y cho biết cần tổ chức, triển khai ở cơ sở, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. 

005112-1570600868883705634772-15730174532201810153960

Bộ Nông nghiệp yêu cầu tập trung tái đàn với những cơ sở đáp ứng được an toàn sinh học. (Ảnh: Phúc Minh).

Đối với những địa phương đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo châu Phi có thể tái đàn nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp, tái đàn có kiểm soát và an toàn sinh học. Cục nhận định biện pháp kiểm soát an toàn sinh học thời điểm này rất quan trọng.

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp cho thấy qua hơn 10 tháng ứng phó, đến nay dịch tả đã từng bước được khống chế, giảm thiểu thiệt hại.

Ông Lê Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Bắc Giang, cho biết hiện có 208/230 xã đã qua 30 ngày là không phát sinh dịch. Ngay từ đầu tháng 8, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ra ngay các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tái đàn. 

Theo đó, các trang trại, doanh nghiệp đủ điều kiện tái đàn theo mô hình an toàn sinh học. Trong quá trình tái đàn, cũng phải kiểm soát rất gắt gao các quy trình an toàn sinh học. Không vì tái đàn vội vàng mà bỏ qua các quy trình an toàn, tránh tối đa để dịch tái phát trở lại.

Đại diện Bộ Nông nghiệp cũng khẳng định do dịch tả đang từng bước được kiểm soát nên phải ngăn chặn việc vận chuyển sản phẩm heo giữa các nước xung quanh, giữa các tỉnh với nhau cũng như việc lưu thông sản phẩm heo sau giết mổ, để hạn chế lây lan mầm bệnh.

Bộ trưởng Nông nghiệp mong người dân thông cảm khi giá heo hơi tăng cao

Giải trình trước Quốc hội hôm 6/11, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết đến nay, cả nước còn giữ được 109.000 con giống cụ kị, đây là hạt nhân để tái đàn.

Theo ông, hiện đã có 13 doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất nước cũng đã cam kết tái đàn tối đa để đảm bảo nguồn cung thịt heo trong thời gian tới, đặc biệt là thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán 2020.

"Tư lệnh" ngành nông nghiệp của giải thích về mức giá heo hơi tăng mạnh hiện nay. Tuy nhiên, ông cho rằng người dân nên thông cảm trước mức giá heo hơi 60.000-65.000 đồng/kg, vì giá thành sản xuất cao hơn. 

Theo Bộ trưởng, để giữ đàn trong tình hình hiện nay, các hộ chăn nuôi, trang trại phải khử trùng, khử vôi thường xuyên. Các chi phí này với chăn nuôi hiện khá cao. Ông nhấn mạnh quan điểm, làm sao để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được mức giá thịt heo trên thị trường hiện nay.