Báo cáo với Bộ Công Thương về tình hình chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ thị trường Tết Canh Tí 2020, Sở Công Thương TP HCM và một số doanh nghiệp lớn kinh doanh thịt heo đã thông tin về biến động giá heo hơi và thịt heo thời gian qua trên địa bàn.
Theo Sở Công Thương TP HCM, trong 3 tuần qua, tình hình thịt nguồn cung và tiêu thụ thịt heo trên địa bàn có nhiều biến động.
Ngày 13/11 là đợt điều chỉnh mới nhất thịt heo bình ổn thị trường, tăng thêm 8.000-35.000 đồng/kg tùy theo mặt hàng. (Ảnh: Thanh Niên).
Theo đó, giá heo hơi loại 1 ngày 21/10 ở mức 57.500 đồng/kg, đến ngày 12/11 tăng lên 65.000 đồng/kg. Cũng trong khoảng thời gian này, giá thịt heo mảnh loại 1 tại chợ đầu mối đã tăng từ 74.000 đồng/kg đồng lên 92.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, thực tế trên thị trường, giá heo hơi tại một số tỉnh thành khu vực phía Nam đã được thương lái lùng mua với giá khoảng 70.000 đồng/kg.
Với việc giá heo hơi và thịt heo bán ra liên tục tăng cao, Sở Công Thương TP HCM cho biết Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành thường xuyên cập nhật, điều chỉnh giá bán hợp lí thịt bình ổn thị trường.
Ngày 13/11 là đợt điều chỉnh mới nhất, thịt heo tham gia thị trường bình ổn trên địa bàn thành phố đã tăng thêm 8.000-35.000 đồng/kg tùy theo mặt hàng.
Trong khi đó, vào ngày 26/10, thành phố cũng đã điều chỉnh tăng giá thịt heo bình ổn thị trường, với mức tăng 6.000-16.000 đồng/kg tùy loại. Như vậy, chỉ chưa đầy 1 tháng, đã có 2 kì điều chỉnh tăng giá thịt heo bình ổn, do giá heo hơi liên tục tăng.
Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cho rằng giá heo hơi tăng cao, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung, nếu tiếp tục duy trì mức giá bình ổn cũ sẽ khiến doanh nghiệp thua lỗ.
Thậm chí, một số công ty lớn còn cho biết mức tăng 8.000-35.000 đồng/kg tùy mặt hàng sau đợt điều chỉnh ngày hôm qua, 13/11, cũng không thể khiến doanh nghiệp có lời.
Theo thống kê từ Sở Công Thương TP HCM, nguồn cung thịt heo bình ổn thị trường cần 4.091 tấn/tháng vào dịp bình thường và khoảng 5.148 tấn/tháng dịp Tết, chiếm khoảng 21% thị phần toàn thành phố.
Sau đợt điều chỉnh giá hôm qua, 13/11, trong thời gian khoảng 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Canh Tí 2020, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường hứa sẽ giữ giá thịt ổn định, không tăng thêm trong dịp cao điểm Tết.
Về các loại hàng hóa khác phục vụ thị trường cuối năm, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM - bà Nguyễn Huỳnh Trang, cho biết năm nay, lượng hàng hóa doanh nghiệp chuẩn bị có tăng 14,6-17,3% so kế hoạch thành phố giao, và tăng 21-28% so với năm ngoái.
Nhiều nhóm hàng được chuẩn bị với lượng lớn, chi phối từ 20-53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 53,2%), trứng gia cầm (48,6%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27,5%), gạo (31,5%)…
Các loại hàng hoá trên chủ yếu từ 3 nguồn chính, là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, chợ đầu mối và nguồn khác.
Về giá cả hàng dịp Tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…
Tính đến nay, trên địa bàn TP HCM là 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành, 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tiêu dùng 16:08 | 01/02/2020
Tiêu dùng 20:10 | 31/01/2020
Tiêu dùng 14:30 | 31/01/2020
Tiêu dùng 21:07 | 30/01/2020
Tiêu dùng 17:20 | 30/01/2020
Tiêu dùng 14:36 | 30/01/2020
Tiêu dùng 21:14 | 29/01/2020
Tiêu dùng 22:56 | 28/01/2020