Hà Nội, TP HCM chuẩn bị hàng chục nghìn tấn thịt heo ăn Tết, Bộ Công Thương yêu cầu không để xảy ra đầu cơ

Bộ Công Thương yêu cầu không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, rượu bia, nước ngọt, thịt heo… phục vụ nhu cầu Tết Canh Tí 2020.

Bộ Công Thương đã có Chỉ thị đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có biến động tăng giá cao, để chủ động có phương án cụ thể trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tí 2020.

Bộ nhấn mạnh yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp này, khi nhu cầu mua sắm ở mức cao.

0253_1

Bộ Công Thương nhấn mạnh yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng làm gián đoạn mua sắm. (Ảnh: Phúc Minh).

Các địa phương đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết…

Hà Nội chuẩn bị 44.600 tấn thịt heo ăn Tết

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố đã lên kịch bản về nhu cầu một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2020.

Dự kiến, Hà Nội chuẩn bị 191.400 tấn gạo, 14.800 tấn thịt gia cầm, 12.306 tấn thịt bò, 260 triệu quả trứng gia cầm, 247.400 tấn rau củ, 12.800 tấn thực phẩm chế biến, 11.364 tấn thủy hải sản và 3.500 tấn nông lâm sản khô.

Đáng chú ý, Hà Nội cũng đã dự trù sẽ chuẩn bị 44.600 tấn thịt heo để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết, trong bối cảnh nguồn cung thịt heo có thể thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi.

Nhóm các mặt hàng thiết yếu khác như bánh mứt, xăng dầu, Hà Nội thông tin đã chuẩn bị khoảng 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.

sieu_thi_zing_1-crop

Hà Nội đã chuẩn bị 44.600 tấn thịt heo ăn Tết giữa lúc giá heo hơi tăng cao . (Ảnh: Phúc Minh).

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 31.200 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.

Dự kiến, hà Nội sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn.

Song song đó, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… 

Sở Công Thương Hà Nội khẳng định sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động xây dựng phương án, hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp có biện pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động, nhằm ổn định thị trường, giá cả.

TP HCM chuẩn bị gần 100 triệu lít bia, nước ngọt

Sở Công Thương TP HCM cũng đã ban hành kế hoạch sản xuất, dự trữ, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ dịp Tết Canh Tí 2020.

Lượng hàng hóa được các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết tương đương 19.027 tỉ đồng, tăng 602 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị cho Tết Kỉ Hợi 2019.

Tết năm nay, TP HCM dự kiến nhiều nhóm hàng được chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối từ 20-53,2% nhu cầu thị trường, là thịt gia cầm, chiếm 53,2%, trứng gia cầm 48,6%, thực phẩm chế biến 28,1%, dầu ăn 27,5%, thịt gia súc 21%…

Sở Công Thương TP HCM dự báo các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Canh Tí 2020 như bia, nước giải khát sẽ tăng 30% so với ngày thường. Theo đó, bia sẽ đạt lượng tiêu thụ 45 triệu lít, nước giải khát nhỉnh hơn, với 50 triệu lít/tháng.

Các mặt hàng bánh, mứt cũng được dự báo nhu cầu tiêu thụ lên đến 19.000 tấn.

1150_10

Ngoài thực phẩm, TP HCM đã làm việc với các nhà vườn Tây Nam Bộ để cung ứng cây cảnh chơi Tết cho người dân. (Ảnh: Phúc Minh).

Để đảm bảo nguồn cung, TP HCM đã làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp… Đây là các tỉnh cung ứng lượng hàng hoá, chủ yếu là thực phẩm, cây cảnh lớn cho thành phố.

Về giá cả các mặt hàng dịp Tết Canh Tí, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng trước và sau Tết.

Đặc biệt, các doanh nghiệp còn cam kết sẽ giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm trong các ngày cận Tết.

Không để tình trạng đầu cơ mặt hàng thiết yếu dịp Tết

Song song với kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết, Tổng cục Quản lí thị trường cũng đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối và Tết Nguyên đán Canh Tí 2020. 

Theo chỉ đạo của cơ quan này, các địa phương sẽ tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết như quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật…

4314_49762981_321911018669245_8889731452518793216_n

TP HCM chuẩn bị gần 100 triệu lít bia, nước ngọt cho Tết. (Ảnh: Phúc Minh).

Tổng Cục Quản lí thị trường nhấn mạnh không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật, đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Song song đó, cần kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, đặc biệt tại khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh của các cơ sở, doanh nghiệp.

Bộ Công Thương yêu cầu phải kiểm tra, xử lí các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn thương mại điện tử, mua bán qua mạng…

Cơ quan chức năng lưu ý các địa phương trọng điểm rơi vào tầm ngắm kiểm tra với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại là Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải  Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp.