Ngay từ đầu năm, khi triển khai chương trình bình ổn thị trường, TP HCM đã đưa vào chương trình 10 nhóm hàng thiết yếu gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô…); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị.
Theo ghi nhận, từ tháng 6, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM đã bắt đầu chuẩn bị, dự trữ nguyên vật liệu để sản xuất hàng cho Tết và sau Tết.
Công ty CP Việt Nam Kĩ nghệ Súc sản (VISSAN) lên kế hoạch cung ứng ra thị trường trên 7.500 tấn hàng hóa, bao gồm 2.500 tấn thịt heo, bò tươi sống (tăng 5% so với cùng kì), 5.000 tấn thực phẩm chế biến (tăng 17% so với cùng kì), trong đó có nhiều sản phẩm mới như thịt heo thảo mộc, nước xương hầm, chả bò vị Đà Nẵng, xúc xích Super 5, phá lấu, chả giò Ngon Ngon hải sản, da heo giòn vị tỏi ớt, giò lụa Hương Việt và giò lụa Hương Quê...
Đặc biệt, còn có món thịt heo kho trứng được cải tiến phù hợp với hương vị truyền thống Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết Canh Tý 2020 khoảng 800 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết Kỷ Hợi 2019.
Với mức chuẩn bị như vậy, VISSAN bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết với giá cả ổn định.
Công ty CP Sài Gòn Food cũng khởi động mùa Tết 2020 khá sớm với hơn 2.000 tấn thành phẩm, tăng hơn 33% so với Tết 2019.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc công ty, cho biết sau thành công của dòng sản phẩm cháo dinh dưỡng và lẩu ăn liền, Tết này Sài Gòn Food tung ra sản phẩm mới là "bánh chưng sum vầy", được sản xuất bằng công nghệ hiện đại với thời hạn bảo quản đến 3 tháng. Ngoài ra, còn có các nhóm sản phẩm tiệc Tết, như cháo 7 ngày dinh dưỡng, lẩu Tết.
Một số doanh nghiệp đã tung hàng hóa Tết 2020 ra thị trường. (Ảnh: TẤN THẠNH).
Theo các DN bán lẻ, hàng hóa phục vụ thị trường Tết mỗi năm dồi dào hơn về chủng loại, số lượng trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn được kiểm soát ổn định.
Năm nay, những mặt hàng mới xuất hiện nhiều hơn nhưng có xu hướng tăng giá nhẹ. Nhiều DN nhập khẩu đã chào hàng các sản phẩm mới (chủ yếu là thực phẩm, đồ uống), chuẩn bị cho việc nhập hàng về kinh doanh Tết.
"Một số DN đã chào hàng bia và trái cây ngoại cao cấp nhưng chúng tôi đang cân nhắc khả năng tiêu thụ, bởi 1 kg nho hay 1 kg xoài có giá 3-4 triệu đồng thì không thể phục vụ số đông khách hàng", đại diện một hệ thống siêu thị cho hay.
Về mẫu mã hàng hóa, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, nhận xét sản phẩm Tết năm nay đẹp hơn. "Tuy nhiên, bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống ngoại vẫn duy trì lợi thế về mẫu mã so với hàng trong nước, giá cả có xu hướng cạnh tranh hơn. Mặc dù chúng tôi dành ưu tiên vị trí, diện tích trưng bày cho hàng nội nhưng giữa các sản phẩm cùng loại, giá tương đương nhau, sản phẩm nào có mẫu mã bao bì nổi bật hơn luôn bán chạy hơn", ông Đức nhận định.
Điều mà các DN và cơ quan quản lí lo nhất là nguồn cung và giá cả thịt heo Tết. Dù các DN chăn nuôi, giết mổ kinh doanh thịt heo cho thị trường TP HCM đều cam kết chuẩn bị đủ nguồn cung, với điều kiện không xảy ra tình trạng mua gom thịt heo xuất khẩu sang Trung Quốc gây thiếu hụt cho tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, hiện tại tiêu thụ thịt heo vẫn tương đối chậm, trong khi giá heo hơi vẫn khá cao, trên mức 60.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc VISSAN, cho rằng khó có thể dự đoán giá thịt heo trong dịp Tết này, bởi tùy thuộc vào cung - cầu và một số yếu tố khách quan tác động. Từ nay đến Tết, giá mặt hàng này chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên, trước mắt, nguồn vẫn đủ cho tiêu thụ nội địa.
"Thói quen tiêu dùng đã thay đổi, tiêu thụ thịt heo chỉ tăng mạnh trong 2 ngày 28 và 29 Tết, có thể gấp đôi ngày thường. VISSAN đã kí hợp đồng với các nhà cung cấp lớn, cam kết đủ lượng hàng cho thị trường gồm 1.200 - 1.500 con heo cho ngày thường và gấp đôi số đó cho những ngày cao điểm Tết. Bên cạnh đó, phương án nhập khẩu thịt heo trong trường hợp khẩn cấp cũng được chuẩn bị kĩ. VISSAN đã chuẩn bị các sản phẩm thịt heo đông lạnh, đóng gói trọng lượng 1 kg, 2 kg để đáp ứng thị trường khi giá thịt heo biến động", ông Phú nói.
Cũng đánh giá tổng nguồn cung thịt heo trong nước ổn định, không giảm nhiều do dịch bệnh nhưng có phần giảm sút do xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Nguyễn Anh Đức cho hay Saigon Co.op đang làm việc với các nhà cung cấp thịt heo lẫn nhà cung cấp khác nhằm ổn định giá các mặt hàng Tết.
Trước mắt, để giải tỏa áp lực cho các DN tham gia bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo, Sở Tài chính TP HCM đã điều chỉnh tăng giá các mặt hàng này trong chương trình bình ổn thị trường từ 6.000 đồng đến 16.000 đồng/kg, tương ứng mức tăng 5,9% - 14,3%, tùy loại.
Trong kế hoạch cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Canh Tý 2020 trên địa bàn TP HCM, Sở Công Thương TP HCM cho biết năm nay, các DN sẽ chuẩn bị sản xuất, dự trữ lượng hàng hóa cung ứng cho 2 tháng Tết lên tới 19.027 tỉ đồng, tăng 602,5 tỉ đồng (tăng 3,27%) so với Tết 2019. Riêng tháng cao điểm Tết, tổng lượng hàng hóa chuẩn bị là 10.224 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường chiếm 4.088 tỉ đồng.
Lượng hàng chuẩn bị tăng 14,6%-17,3% so với kế hoạch TP HCM giao và tăng 21%-28% so với Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20%-30% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm gần 53,2%), trứng (48,6%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%)...
Ngoài ra, thông qua chương trình hợp tác thương mại, Sở Công Thương cũng đã làm việc với các địa phương có nguồn cung hàng hóa lớn cho TP như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp... để nắm tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ Tết.
Hỗ trợ vay vốn sản xuất hàng Tết
Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và Tết nguyên đán Canh Tý 2020.
Tại chỉ thị này, Bộ Công Thương giao Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán.
Đặc biệt, Sở Công Thương các tỉnh cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết...
Tiêu dùng 16:08 | 01/02/2020
Tiêu dùng 20:10 | 31/01/2020
Tiêu dùng 14:30 | 31/01/2020
Tiêu dùng 21:07 | 30/01/2020
Tiêu dùng 17:20 | 30/01/2020
Tiêu dùng 14:36 | 30/01/2020
Tiêu dùng 21:14 | 29/01/2020
Tiêu dùng 22:56 | 28/01/2020