TP HCM dự trữ gần 100 triệu lít bia, nước ngọt cho Tết Canh Tí 2020

Sở Công Thương TP HCM dự báo các mặt hàng thiết yếu dịp Tết như bia, nước giải khát sẽ tăng 30% so với ngày thường. Theo đó, lượng bia tiêu thụ trên địa bàn sẽ khoảng 45 triệu lít, nước giải khát nhỉnh hơn với 50 triệu lít/tháng.

Hơn 19.000 tỉ đồng dành riêng cho hàng Tết

Sở Công Thương TP HCM vừa ban hành kế hoạch sản xuất, dự trữ, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ dịp Tết Canh Tí 2020.

Theo đó, lượng hàng hóa được các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.027 tỉ đồng, tăng 602 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị cho Tết Kỉ Hợi 2019, tương ứng mức tăng 3,17%.

IMG_2898

TP HCM chuẩn bị gần 100 triệu lít bia, nước ngọt cho Tết Canh Tí 2020. (Ảnh: Phúc Minh).

Riêng tháng Chạp Âm lịch, là tháng cao điểm Tết, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị để phục vụ chiếm 54%, tương đương 10.224 tỉ đồng, trong đó, hàng bình ổn thị trường đạt 4.088 tỉ đồng.

Sở Công Thương TP HCM cũng cho biết thêm, nhiều nhóm hàng được chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối từ 20-53,2% nhu cầu thị trường là thịt gia cầm, chiếm 53,2%, trứng gia cầm 48,6%, thực phẩm chế biến 28,1%, dầu ăn 27,5%, thịt gia súc 21%…

Hàng hoá đến từ 3 nguồn cung cấp chính là các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường khoảng 30-40%, các chợ đầu mối chiếm 60-70% và các doanh nghiệp khác chiếm 10-20%.

Để đảm bảo nguồn cung, TP HCM đã làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp… Đây là các tỉnh cung ứng lượng hàng hoá, chủ yếu là thực phẩm, cây cảnh lớn cho thành phố.

Trữ sẵn gần 100 triệu lít bia, nước ngọt, 19.000 tấn bánh kẹo cho Tết

Sở Công Thương dự báo các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Canh Tí như bia, nước giải khát sẽ tăng 30% so với ngày thường. Theo đó, bia sẽ đạt lượng tiêu thụ 45 triệu lít, nước giải khát nhỉnh hơn, với 50 triệu lít/tháng.

Các mặt hàng bánh, mứt cũng được dự báo nhu cầu tiêu thụ lên đến 19.000 tấn.

Theo Sở Công Thương, Tết Nguyên đán năm nay, TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. 

Về giá cả các mặt hàng dịp Tết Canh Tí, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng trước và sau Tết.

Đặc biệt, các doanh nghiệp còn cam kết sẽ giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm trong các ngày cận Tết.

Ngoài kênh phân phối truyền thống, ở kênh bán lẻ hiện đại, Sở Công Thương TP HCM cho hay trên địa bàn đang có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.657 cửa hàng tiện lợi. Đây sẽ là những nơi phục vụ mua sắm dịp Tết của người dân thành phố.

Hiện các doanh nghiệp đã và đang trong giai đoạn chuẩn bị, sản xuất hàng hoá, chuẩn bị đợt bán hàng cuối năm, Tết đến.

chọn
Chuyên gia: Vàng tăng mạnh nhưng cũng không là gì so với đà tăng của giá bất động sản
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết từ năm 1990 đến nay, giá vàng tại Việt Nam tăng khoảng 30 lần nhưng giá bất động sản đã tăng khoảng 100 – 400 lần.