Ai thắng trong cuộc chiến bán lẻ giữa chợ truyền thống và chợ mạng?

98% số doanh nghiệp bán lẻ cho biết gần như toàn bộ doanh thu đến từ các cửa hàng, đại lí và chỉ vỏn vẹn 2% còn lại là “sống nhờ” vào thương mại điện tử.

Báo cáo tình hình thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2019 do Vietnam Report vừa công bố, cho biết bức tranh bán lẻ trong nước đang rất sôi động, những năm gần đây đều có tốc độ tăng trưởng nóng.

Cụ thể, giai đoạn 5 năm từ 2013-2018, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam trung bình là 10,97%. Tổng doanh thu bán lẻ dự kiến sẽ đạt 180 tỉ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6% từ năm 2018.

0250_tao_14

Báo cáo của Vietnam Report cho rằng các kênh bán lẻ truyền thống vấn thắng thế hiện nay. (Ảnh: Phúc Minh).

Báo cáo cho biết để tranh giành "miếng bánh" tỉ USD này, thời gian qua, hàng loạt tay chơi từ ngoại đến nội đều muốn xâu xé, đặc biệt là sự tham gia của thương mại điện tử.

Dù thương mại điện tử được xem là một kênh đáng gờm và phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, theo báo cáo của Vietnam Report, các kênh bán hàng truyền thống vẫn thống trị và chiếm ưu thế áp đảo.

Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy có đến 98% số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, gần như toàn bộ doanh thu đến từ các cửa hàng, đại lí. Chỉ vỏn vẹn 2% doanh thu còn lại của họ đến từ bán hàng qua kênh thương mại điện tử.

Cơ cấu hàng hoá được người tiêu dùng mua nhiều nhất qua các kênh mua sắm trực tuyến là đặt chỗ du lịch, vé máy bay, khách sạn, chiếm đến 54,4%. Người dùng mua quần áo, giày dép qua mạng chiếm 41,2%, mua thiết bị đồ dùng gia đình chiếm 38,2%. 

Trong khi đó, thực phẩm và đồ uống, vốn là một trong những ngành hàng chủ yếu của bán lẻ, chỉ chiếm 19,1% trên kênh thương mại điện tử.

Từ kết quả này, báo cáo cho biết đây được xem là động lực thúc đẩy các nhà phân phối hàng hóa tiêu dùng gia nhập vào thị trường Việt Nam.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-12 lúc 00

Các lĩnh vực chủ chốt của bán lẻ vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ trong thương mại điện tử. (Nguồn: Vietnam Report - Đồ hoạ: Phúc Minh).

Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, thị trường đã chứng kiến việc mở mới thêm hàng trăm cửa hàng tiện ích, siêu thị, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại các đô thị lớn trên địa bàn cả nước.

Việt Nam đang có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi, con số này tăng gấp đôi so với 2 năm trước, hơn 8.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ. 

Nhà bán lẻ đang đổ về nông thôn

Theo báo cáo này, dự kiến quý cuối năm 2019 và cả năm 2020, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng phát triển chuỗi hệ thống bán lẻ trên thị trường cả nước. Sự kết hợp giữa hệ thống bán lẻ hiện đại và các kênh tiêu dùng truyền thống đã dần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đáng chú ý, thời gian tới khi thị trường ở khu vực đô thị đang dần trở nên bão hòa thì thị trường bán lẻ hiện đại có thể sẽ nhắm đến nông thôn.

IMG_6777

Sau khi mở ào ạt tại đô thị lớn, xu hướng các nhà bán lẻ hiện đại sẽ bắt đầu tấn công nông thôn. (Ảnh: Phúc Minh).

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã để ý đến thị trường này, bởi đây được xem là mảnh đất màu mỡ, với gần 80% diện tích và hơn 70% dân số. Trong khi đó, do sự cải thiện thu nhập sẽ đẩy được nhu cầu tiêu thụ hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng tiêu dùng chất lượng cao.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng trung bình 10,5%/năm, đi kèm tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.

Trong khi đó, hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. 

Vietnam Report cho rằng sự tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu là một nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ trong thời gian tới.

Thêm vào đó, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa trong nhóm nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, do đó ngành bán lẻ được dự báo sẽ còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.