Nguy cơ thiếu 200.000 tấn thịt heo dịp Tết, Bộ Công Thương khuyến khích gói bánh chưng, kho trứng bằng thịt đông lạnh

Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm đưa các sản phẩm chế biến sẵn như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối… được chế biến từ thịt heo đông lạnh nhập khẩu trong tình hình thiếu 200.000 tấn thịt heo 3 tháng Tết.

Ước tính từ đây đến Tết, mỗi tháng thiếu 70.000 tấn thịt heo

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương về tình hình giá và nguồn cung thịt heo chuẩn bị phục vụ cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tí 2020, giá thịt có xu hướng tăng dần và tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay.

Hiện giá thịt heo hiện đang đứng ở mức khá cao, và tăng khoảng 25-30% so với thời điểm tháng 9. Nguyên nhân chủ yếu của việc giá thịt heo tăng mạnh là do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi. Hiện các hộ, trang trại nuôi heo đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt heo.

673071664784039563445355367554040085348352n-15634177488871276061543-2

Ước tính từ đây đến Tết, mỗi tháng thiếu 70.000 tấn thịt heo. (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ).

Bên cạnh đó, Bộ cũng lưu ý việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển heo thịt và thịt heo giữa các địa phương, để tránh lây lan dịch đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt heo tăng cục bộ ảnh hưởng tâm lí thị trường.

Tổng cục thống kê cho biết đàn heo cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước. Nguồn cung giảm là nguyên do khiến giá heo hơi trên thị trường gia tăng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm sản lượng thịt heo giảm 380.000 tấn, tương đương mức giảm 10% so với năm 2018, đã ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Tuy nhiên, Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng thực tế, mức giảm sản lượng thịt heo cao hơn con số Bộ Nông nghiệp đưa ra, bởi không chỉ ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mắc dịch đã cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín như CP, Japfa cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, số lượng heo thiếu hụt dịp cuối năm, Tết đến là rất cao.

Sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp về số liệu sơ bộ cân đối cung cầu mặt hàng thịt heo, Bộ Công Thương dự báo nguồn cung thịt heo các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn, tính cho 3 tháng gần Tết, tức 11-12/2019 và tháng 1/2020. 

Nhự vậy, ước tính, mỗi tháng cận Tết Nguyên đán Canh Tí, thị trường thiếu hụt khoảng 70.000 tấn heo hơi.

Bộ Công Thương khuyến khích gói bánh chưng, kho tàu bằng thịt đông lạnh

Trước tình hình nguồn cung thịt heo có khả năng thiếu hụt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt heo, để bình ổn thị trường.

IMG_8254

Thịt heo nhập khẩu có giá rẻ hơn so với thịt nóng xuất xứ trong nước. (Ảnh: Phúc Minh).

Bộ Công Thương cho biết hiện có 24 quốc gia mà Việt Nam nhập thịt heo chính ngạch, gồm Argentina, Australia, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Irelen, Litva, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Niuzelan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico. 

Việc nhập khẩu thịt heo nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước được thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tại cuộc họp ngày 18/11. 

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt heo và có kế hoạch tái đàn, đề xuất số lượng nhập khẩu cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương định hướng cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường đưa các sản phẩm thịt heo chế biến sẵn như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối… chế biến từ thịt heo đông lạnh nhập khẩu.

Bộ cho hay việc này nhằm thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường, và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Không để găm hàng, thổi giá heo

Bên cạnh nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các địa phương, bộ ngành liên quan tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm.

Trước đó, cơ quan chức năng cũng đưa ra nhận định bên cạnh nguồn cung có phần giảm thì vẫn có hiện tượng găm heo, thổi giá để bán được mức khiến giá heo hơi liên tục lên đỉnh gần đây.

Bộ Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành Thú y tạo điều kiện cho các sản phẩm thịt heo, heo hơi an toàn lưu thông qua các địa phương, để bảo đảm nguồn cung giữa các vùng miền, nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.

Song song đó, giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt heo sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước

Bộ nhấn mạnh cần tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung dịch bệnh nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin về thị trường, gây bất ổn thị trường. Tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng các thực phẩm thay thế thịt heo và sử dụng sản phẩm thit đông lạnh thay cho thịt nóng, nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước.