Ngân hàng Nhà nước lí giải vì sao có doanh nghiệp khó khăn, ảnh hưởng dịch Covid-19 vẫn khó vay vốn

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng khi doanh nghiệp đình trệ sản xuất kinh doanh, không có nguồn thu, nếu hạ tiêu chuẩn vay sẽ làm ảnh hưởng tình hình trả nợ, làm gia tăng nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng cũng phải đảm bảo các yếu tố kinh doanh

Tại họp báo thường kì Chính phủ diễn ra chiều nay, 5/5, trả lời chất vấn về việc các ngân hàng thương mại chưa hạ chuẩn cho vay, trong khi doanh nghiệp đang khó khăn vì Covid-19, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng các ngân hàng cũng phải thận trọng, để tránh rủi ro nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước lí giải ngân hàng không hạ chuẩn cho vay khi doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19 - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước lí giải ngân hàng không hạ chuẩn cho vay khi doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19. (Ảnh: Thanh Niên).

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, phải đảm bảo các yếu tố kinh doanh. Các ngân hàng là trung gian tài chính, nhận tiền gửi và cho vay lại.

Trong khi doanh nghiệp đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng tình hình tài chính của tổ chức tín dụng, không có nguồn thu thì sẽ ảnh hưởng tình hình trả nợ, làm gia tăng nợ xấu.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng là vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vừa đảm bảo hoạt động của chính mình. Việc hạ chuẩn cho vay khiến tổ chức tín dụng đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như trước đây, sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế và ổn kinh tế vĩ mô.

Cập nhật về chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng đã đăng kí cung ứng với tổng số vốn 300.000 tỉ đồng, lãi suất thấp hơn mặt bằng chung 0,5-1%.

Ngân hàng Nhà nước cho biết các tổ chức tín dụng bước đầu đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18.000 tỉ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126.000 tỉ đồng; cho vay mới 165.208 tỉ đồng với 354.286 khách hàng.

Dư nợ toàn ngành tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản.

Thống đốc Lê Minh Hưng: Doanh nghiệp có khả năng trả nợ thì mới được xem xét hỗ trợ

Báo cáo Thủ tướng tại cuộc họp sáng nay, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định hệ thống ngân hàng đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế. 

Nhưng nguồn vốn tín dụng, các chương trình hỗ trợ đều đến từ tiền gửi của người dân và chính doanh nghiệp, nên trách nhiệm đầu tiên của tổ chức tín dụng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn nguồn vốn để đảm bảo an toàn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết, nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế.

Thống đốc nhấn mạnh ngành ngân hàng không được phép nới lỏng các điều kiện tín dụng, tháo gỡ các thủ tục, quy định nội bộ của ngân hàng, rút ngắn thời gian, những tiêu chuẩn, điều kiện để đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng là yêu cầu tiên quyết.

"Có rất nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng, kể cả không có dịch cũng đã rất khó khăn, không thể xử lí được các vấn đề phát sinh. Chính vì vậy, những kiến nghị cụ thể sẽ được xử lí. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên toàn quốc trực tiếp xử lí và tháo gỡ những kiến nghị. 

Nhưng doanh nghiệp với phương án phải đảm bảo khả thi, có khả năng sử dụng vốn đúng mục đích, có khả năng trả được nợ thì mới được các tổ chức tín dụng xem xét", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.