Trong báo cáo cập nhật về kết quả kinh doanh toàn thị trường trong quý I của WiGroup, đơn vị này cho biết, lợi nhuận sau thuế của toàn ngành ngân hàng giảm hơn 4,5%, so với cùng kỳ, đạt 53.075 tỷ đồng.
Mặt khác, việc tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước – SOBs (tăng 28%) cũng không đủ bù đắp sự sụt giảm về lợi nhuận của nhóm NHTM lớn như VPbank (VPB), Techcombank (TCB) và NHTM khác dưới áp lực của chi phí lãi vay gia tăng đột biến do việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ không còn dễ dàng như giai đoạn trước.
Cùng với đó, áp lực trích lập dự phòng tăng lên do chất lượng tài sản suy yếu đến từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng đã khiến triển vọng lợi nhuận toàn ngành suy giảm.
Trong quý I, tỷ lệ CASA ở hầu hết các NHTM đều đồng loạt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, Techcombank (TCB), Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Kiên Long Bank (KLB) là 3 ngân hàng có mức biến động lớn nhất.
Mặt khác, tại nhóm NHTM Nhà nước, sự sụt giảm CASA gần như không đáng kể, đạt mức trung bình 20,7% (giảm 14,3%). Song, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với tỷ lệ CASA tại nhóm NHTM lớn là 24,2%.
WiGroup cho rằng, mức suy giảm CASA chung toàn ngành là phản ứng tương đối phù hợp trong môi trường lãi suất tăng cao, khách hàng có xu hướng tối ưu dòng vốn thay vì “để không” tại các ngân hàng.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã tăng mạnh trở lại, đạt mức 1,93% - cao hơn so với giai đoạn trước dịch. Theo WiGroup, sự gia tăng tỷ lệ này chủ yếu đến từ các khoản nợ dưới tiêu chuẩn, đạt mức hơn 57.000 tỷ, tăng 115% so với cùng kỳ.
Điều này cho thấy, sự đóng băng của thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế chậm lại đã phản ánh vào tình hình nợ xấu của ngân hàng.
Về dự phòng rủi ro, bộ đệm dự phòng tại một số ngân hàng đã mỏng đi trong quý I, điển hình tại nhóm NHTM lớn như VPBank, Techcombank, MB và ACB có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao trước đó (trên 150%) đã sử dụng quỹ dự phòng trong quý này để duy trì tăng trưởng lợi nhuận.
Cụ thể, tỷ lệ LLR của nhóm này đã giảm gần 25% từ mức 144,2% trong quý IV/2022 xuống còn 109%.
WiGroup cho biết thêm, quý I, tỷ lệ LDR trung bình của 3 nhóm NHTM đang ở mức trung bình là 83,5%, tỷ lệ này đang nằm trong vùng tỷ lệ tối ưu và đang có xu hướng giảm dần kể từ mức đỉnh trong quý III/2022. Điều này thể hiện cho thanh khoản toàn hệ thống đang dần được cải thiện tích cực, đặc biệt là đối với nhóm NHTM lớn và NHTM Khác.
Tăng trưởng huy động và cho vay có sự phân hoá rõ rệt giữa các nhóm NHTM. Cụ thể, tăng trưởng huy động đã tăng cao tại các nhóm NHTM có tỷ trọng khách hàng cá nhân cao như HDBank, Nam A Bank,... và tăng trưởng cho vay chủ yếu tại các nhóm NHTM có tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp lớn như Techcombank, MSB, Viet A Bank,…
Song, điều này cũng khiến NIM của các NHTM cho vay khách hàng doanh nghiệp và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng và nguồn vốn huy động từ tiền gửi khách hàng sẽ giảm mạnh hơn toàn ngành.
Theo số liệu từ WiGroup, trong quý I, NIM toàn ngành ngân hàng cũng giảm nhẹ xuống mức 3,61% từ mức 3,79% của quý IV/2022. Bóc tách tỷ lệ NIM theo từng nhóm, có thể nhận thấy tăng trưởng NIM của NHTM Nhà nước và NHTM Khác cũng không thể bù đắp sự sụt giảm NIM đến từ NHTM Lớn.
Cụ thể, NIM của nhóm NHTM Lớn (VPBank, Techcombank, MB) đã giảm gần 10% do kênh trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng, hai lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường đang gặp khó khăn.
Dù, lãi suất huy động tại các ngân hàng có xu hướng tăng trong ba tháng đầu năm nay nhưng NIM toàn ngành vẫn đang duy trì ở mức cao kể từ thời điểm năm 2018 đến nay. Điều này cho thấy, độ trễ của kỳ hạn huy động và thời điểm tăng lãi suất vẫn chưa phản ánh vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng.