Tags

So sánh lãi suất ngân hàng

Tìm theo ngày
So Sánh Lãi Suất Ngân Hàng - Tiền Gửi Tiết Kiệm Tháng 4/2024

So Sánh Lãi Suất Ngân Hàng - Tiền Gửi Tiết Kiệm Tháng 4/2024

Theo cập nhật mới nhất, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại 30 ngân hàng trong nước đang ghi nhận trong khoảng 4%/năm đến 6,25%/năm. Theo xu hướng chung hiện tại, nhiều ngân hàng đã có động thái điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng này.

So sánh lãi suất ngân hàng mới nhất

Mức lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6 tháng cao nhất ghi nhận được là 6,25%/năm. Mức lãi suất này đang được áp dụng tại Ngân hàng Bắc Á. So sánh với tháng trước, mức lãi này đã được điều chỉnh tăng thêm 0,25 điểm %. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không có thêm bất cứ yêu cầu nào về khoản tiền gửi tối thiểu.

Giữ vị trí lãi suất tiền gửi cao thứ hai là SeABank với mức lãi 6,05%/năm và 6%/năm. Trong đó nếu khách hàng có khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ được nhận lãi là 6,05%/năm. Còn với khoản tiết kiệm từ 5 tỷ đến dưới 10 tỷ đồng, mức lãi mà khách hàng nhận được là 6%/năm tại kỳ hạn 6 tháng.

Ngân hàng Việt Á và OceanBank cũng đang huy động tiền gửi tại kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 6%/năm. Tuy nhiên hai ngân hàng này triển khai mức lãi cao với mọi khoản tiền gửi tiết kiệm mà không kèm theo điều kiện nào.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể tham khảo lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng khác như: SeABank 5,95%/năm (1 tỷ - dưới 5 tỷ đồng) và 5,9%/năm (500 triệu - dưới 1 tỷ đồng) ,MBBank 5,9%/năm (từ 200 tỷ đồng trở lên), SCB 5,9%/năm, Ngân hàng Bản Việt 5,9%/năm…

Các khách hàng gửi tiền tại Big 4 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank tại kỳ hạn 6 tháng sẽ cùng được nhận lãi suất là 4%/năm. Mức lãi này duy trì không đổi so với trước.

Sau khi so sánh lãi suất tại 30 ngân hàng, mức lãi tại kỳ hạn 6 tháng thấp nhất hiện là 4%/năm. Đang có khá nhiều ngân hàng đang cùng áp dụng mức lãi này như: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, LienVietPostBank…

Lãi suất tiết kiệm, lãi suất tiền gửi ngân hàng là gì?

Trong các hình thức đầu tư tài chính cá nhân, gửi tiết kiệm được đánh giá là cách sinh lời an toàn và ổn định, được nhiều người lựa chọn. Nhất là trong bối cảnh từ giữa năm 2022 khi các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất lên cao hơn, việc gửi tiết kiệm càng được quan tâm nhiều hơn.

Thông thường, khi có khoản tiền để dành mà chưa có kế hoạch sử dụng, nhiều người chọn phương án gửi tiền đó vào ngân hàng để nhận được một khoản lợi nhuận nhất định. Lãi suất tiết kiệm ngân hàng đó càng cao thì số tiền lãi mà bạn nhận được càng lớn. Tuy nhiên, hàng tháng ngân hàng thường điều chỉnh lãi suất và đó là lý do bạn cần theo dõi thường xuyên để so sánh và chọn cách gửi tiền tiết kiệm phù hợp nhất.

So sánh lãi suất tiền gửi ngân hàng

Lãi suất tiết kiệm giữa các ngân hàng thường có mặt bằng chung là từ 5% đến 8% đối với gửi tiết kiệm có kỳ hạn, và trên 1% đối với gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Con số cụ thể sẽ lên cao hoặc xuống thấp tùy thuộc vào các yếu tố dưới đây.

Đối tượng gửi tiền tiết kiệm là cá nhân hay doanh nghiệp?

Tiền gửi tiết kiệm là VND hay ngoại tệ?

Kỳ hạn gửi là bao lâu? 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hay nhiều hơn?

Hình thức gửi tiền tiết kiệm là gì? Gửi trực tiếp tại quầy hay gửi online?

Tổng giá trị khoản tiền gửi là bao nhiêu? Việc bạn gửi 100 triệu vào ngân hàng sẽ khác với gửi 10 tỷ. Thậm chí các phòng giao dịch ngân hàng sẽ có chính sách đặc biệt áp dụng với các khoản tiền gửi tiết kiệm có giá trị lớn.

Chính sách của ngân hàng tùy thời điểm.

Ngoài lãi suất, yếu tố quyết định việc chọn ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm là gì?

Khi có khoản tiền nhàn rỗi, bất cứ ai cũng muốn sinh lời cao nhất từ khoản tiền này. Tuy nhiên, lợi nhuận càng cao thường đi liền với mức rủi ro càng lớn. Khi gửi tiền tiết kiệm, mức lãi suất cao thường đi kèm với nhiều điều kiện của ngân hàng mà bạn không thể đáp ứng được nên buộc phải chọn ngân hàng khác có chính sách tiền gửi “nới lỏng” hơn.

Thực tế, việc chọn ngân hàng nào để gửi tiền tiết kiệm còn phụ thuộc vào một số yếu tố như:

Uy tín của ngân hàng.

Kỳ hạn gửi tiền phù hợp với nhu cầu tài chính cá nhân.

Chính sách ưu đãi của ngân hàng tại thời điểm gửi tiền.

Hình thức gửi tiền linh động cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo.

Nhược điểm của kênh gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng là lãi suất có thể không hấp dẫn bằng các kênh đầu tư khác. Chính vì thế, để tối đa lợi nhuận cho khoản tiền tiết kiệm, lời khuyên là bạn cần ưu tiên cân nhắc kỳ hạn gửi tiết kiệm và thời gian đáo hạn của mỗi ngân hàng.

Kỳ hạn tiết kiệm là khoảng thời gian bạn gửi tiền cho ngân hàng sử dụng và là cơ sở để ngân hàng trả lãi. Kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao. Trên thị trường có 2 loại kỳ hạn là: kỳ hạn ngắn (từ 1 tuần, 1 tháng đến 6 tháng) cho người muốn trả lãi nhanh; và kỳ hạn dài trên 6 tháng cho người muốn hưởng lãi suất cao.

Thời gian đáo hạn hay ngày tất toán là ngày bạn có thể thực hiện tất toán (hoặc đóng tài khoản tiết kiệm) để nhận lại toàn bộ cả tiền gốc và lãi. Mỗi tài khoản đều có ngày cố định. Bạn nên xem kỹ ngày này để tối ưu dòng tiền sử dụng. Vì nếu muốn rút tiền trước ngày đó, bạn sẽ chịu mất toàn bộ lãi suất tiết kiệm mà chỉ hưởng lãi suất không kỳ hạn cho khoảng thời gian đã gửi, thông thường lãi suất dưới 1%.

Hình thức gửi tiết kiệm phù hợp cho những ai?

Dù lựa chọn đầu tư bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, tiền ảo,... hay kênh nào đi nữa thì bạn cũng cần lưu ý, lợi nhuận cao và nhanh chóng thường đi kèm với rủi ro cao. Theo đó, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, phù hợp với những người có khẩu vị đầu tư ổn định, ngại rủi ro.

Nếu bạn không muốn dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu sâu về các lĩnh vực bất động sản hay chứng khoán hoặc thậm chí là tiền ảo thì việc lựa chọn gửi tiền tiết kiệm là hợp lý. Hình thức này được ưa chuộng bởi những người có thu nhập ổn định, được trả lương qua ngân hàng đều đặn mỗi tháng.

Trên đây là một số lưu ý về lãi suất tiền gửi ngân hàng để bạn cân nhắc về hình thức đầu tư gửi tiền tiết kiệm. Thông tin mang tính chất tham khảo và bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về lãi suất tiền gửi ngân hàng theo từng thời kỳ trên các website của từng ngân hàng.