Vụ sụp đổ SVB gây tâm lý lo sợ khắp thế giới, hàng trăm doanh nghiệp gửi thư kêu cứu

Silicon Valley Bank (SVB) có trụ sở chính ở Mỹ và chi nhánh ở Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Ấn Độ, Anh, Israel và Thụy Điển. Sau khi ngân hàng này sụp đổ vào ngày 10/3, lãnh đạo các doanh nghiệp trên khắp thế giới đều lo sợ tác động tiêu cực.

SVB là vụ đổ vỡ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. (Ảnh minh họa: Reuters).

Hàng trăm doanh nghiệp Anh kêu cứu

Reuters ngày 11/3 cho biết các tổng giám đốc của hơn 250 công ty công nghệ của Anh đã ký vào một bức thư gửi tới Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt để yêu cầu chính phủ can thiệp và hỗ trợ giới doanh nghiệp sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ sụp đổ.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương (NHTW) Anh đã nỗ lực cùng nhau nhằm giảm thiểu những gián đoạn có thể xảy ra khi chi nhánh SVB tại Anh cũng đóng cửa.

NHTW Anh đang đề nghị tòa án ra lệnh đưa chi nhánh SVB ở Anh vào tình trạng làm thủ tục phá sản. Thông cáo của Bộ Tài chính Anh có đoạn viết: “Chính phủ nhận thức được rằng các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thường không có dòng tiền dương trong quá trình phát triển và phải phụ thuộc vào tiền gửi ngân hàng để trang trải chi phí hàng ngày”.

Lá thứ của hơn 250 lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ viết: “Các thông tin mới đây về việc SVB rơi vào phá sản là một mối đe dọa tới sự sống còn của ngành công nghệ Anh. Cuối tuần này, đa phần các nhà sáng lập công nghệ như chúng tôi đang phải kiểm tra lại số liệu để xem chúng tôi có nguy cơ mất khả năng thanh toán kỹ thuật hay không”.

“Đa số doanh nghiệp đang vận hành trong điều kiện rất hạn hẹp của nền kinh tế hiện nay và sự lây lan từ những vụ phá sản đầu tiên sẽ nguy hại, tác động tới cả nền kinh tế, vượt xa lĩnh vực công nghệ”, lá thư nói thêm.

Theo Bloomberg, lá thư của hàng trăm lãnh đạo ngành công nghệ còn viết: “Việc để mất tiền gửi [trong SVB] có nguy cơ làm tê liệt lĩnh vực công nghệ và khiến hệ sinh thái tụt hậu 20 năm. Nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải đóng cửa và thanh lý tài sản chỉ sau một ngày”.

“Cuộc khủng hoảng này sẽ bắt đầu vào thứ Hai (13/3) nên tôi kêu gọi các vị hãy ngăn chặn ngay từ lúc này”, nhiều doanh nghiệp công nghệ, bao gồm Uncapped, Apian, Pockit à Pivotal Earth, viết trong bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Anh.

SVB là vụ đổ vỡ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau Washington Mutual vào năm 2008.

Tâm lý lo lắng lan rộng

Các nhà sáng lập startup ở khu vực Vịnh San Francisco của bang California – nơi đặt trụ sở chính của Silicon Valley Bank – đang hoảng loạn vì không lấy được tiền để trả lương cho nhân viên. Theo Bloomberg, tâm lý lo sợ đã lan đến Canada, Ấn Độ và Trung Quốc. Đây mới chỉ là sự khởi đầu.

SVB có chi nhánh ở Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Ấn Độ, Anh, Israel và cả Thụy Điển. Các nhà sáng lập trong ngành công nghệ đang cảnh báo vụ sụp đổ SVB có thể xóa sổ nhiều startup nếu chính phủ không can thiệp.

Liên doanh của SVB ở Trung Quốc có tên SPD Silicon Valley Bank đã cố gắng trấn an khách hàng rằng hoạt động của đơn vị này độc lập với SVB ở Mỹ và hiện vẫn ổn định.

Bộ Tài chính Anh đã bắt đầu khảo sát xem các startup có bao nhiêu tiền gửi ngân hàng, tốc độ tiêu tiền trung bình mỗi tháng là bao nhiêu và có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của SVB và các nhà băng khác hay không.

Ông Toby Mather, CEO của công ty phần mềm giáo dịch Lingumi, cho biết 85% tiền mặt của công ty ông đang ở trong SVB. Ông đã cố chuyển tiền trong một số tài khoản nhưng hiện không rõ có được không. “Đây là vấn đề sống còn với chúng tôi”, ông Toby nói.

Ông Jack O’Meara, nhà sáng lập công ty công nghệ gene Ochre Bio tại London, đã cố chuyển tiền ra khỏi SVB nhưng không thành công. “Nếu không có ai can thiệp, vụ việc này sẽ xóa sổ cả một thế hệ công ty khởi nghiệp”.

Tương tự như ở Mỹ, tiền gửi ở Anh cũng được bảo hiểm, hạn mức là 85.000 bảng (102.000 USD) cho mỗi tài khoản đơn và 170.000 bảng (204.000 USD) cho mỗi tài khoản đôi. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào các khách hàng có thể tiếp cận số tiền này.

Một lo lắng sâu xa hơn trong giới sáng lập startup là sự sụp đổ của SVB có thể bóp nghẹt dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào Anh – nơi mà các doanh nghiệp vốn dĩ đã gặp khó vì Brexit.

Giá cổ phiếu SVB lao dốc trong những ngày giao dịch cuối cùng trước khi bị cơ quan quản lý Mỹ tiếp quản.

Các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ tại châu Á cũng đang cuống cuồng đánh giá những hệ lụy tiềm tàng. Ở Singapore, các chuyên gia tài chính và doanh nhân khởi nghiệp tại một buổi gặp gỡ cựu học viên Trường Kinh doanh Wharton đã cùng nhau chia sẻ thông tin về sự sụp đổ của SVB. Các nhà sáng lập công nghệ và nhà đầu tư tại một hội thảo ở thành phố Mumbai của Ấn Độ cũng không thể nói chuyện gì khác ngoài SVB.

Nhà phân tích Liu Zhengning và các đồng nghiệp tại Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc (CICC) viết: “Tác động của vụ việc SVB đối với ngành công nghệ không nên bị đánh giá thấp”.

Tiền gửi là một nguồn vốn quan trọng cho các startup vì những doanh nghiệp này thường cần rất nhiều tiền mặt để trả cho các khoản chi phí khổng lồ như nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như lương nhân viên, các nhà phân tích của CICC nhận định.

Ở Canada, chi nhánh của SVB cho vay có bảo đảm 435 triệu CAD (tương đương 314 triệu USD) vào năm 2022, gấp đôi con số năm trước đó. Khách hàng của SVB Canada bao gồm công ty phần mềm thương mại điện tử Shopify và công ty dược phẩm HLS Therapeutics

Công ty quảng cáo công nghệ AcuityAds Holdings có trụ sở tại Toronto cho biết đang gửi 55 triệu USD tại ngân hàng SVB, chiếm trên 90% tiền mặt của công ty này. Hôm 10/3, AcuityAds Holdings đã tạm dừng giao dịch cổ phiếu của mình sau khi giá giảm 14%, lấy lý do là “tình hình đang chuyển biến” liên quan tới Silicon Valley Bank (SVB).

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.