Doanh nghiệp kỳ vọng tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp

Sau khi ngân hàng Nhà nước thông báo giảm lãi suất điều hành, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ được giảm mạnh và thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Đây là lần giảm lãi suất thứ 2 liên tiếp trong vòng hơn 2 tuần. Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành từ 0,3-0,5% được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty điều hành Công ty vật liệu Tầm Nhìn Việt, lãi suất giảm liên tiếp trong thời gian qua là tín hiệu đáng mừng vì có thể giúp giảm chi phí vay cho công ty. Kỳ vọng rằng, mức lãi suất cho vay sẽ giảm theo và doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, từ đó mở rộng sản xuất, đầu tư và tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn, cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, để được vay vốn thì ngân hàng cũng phải tạo thuận lợi, nhất là với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong ngành chế biến chế tạo.

Ông Đào Phan Long, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, việc giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sẽ giúp kích thích doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, kỳ vọng đón đầu giai đoạn khởi sắc trở lại vào những quý tới.

Tuy vậy, việc giảm lãi suất cho vay tới doanh nghiệp vẫn chưa diễn ra nên chưa thể đánh giá được nhiều. Cùng đó, trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt, các tín hiệu từ thị trường trên thế giới chưa thực sự tốt lên thì doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

"Lãi suất huy động giảm, nhưng lãi suất cho vay tới doanh nghiệp vẫn cần thời gian thực hiện nên hiện tại chưa có nhiều tác động tới các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trên thực tế không phải cứ lãi suất giảm là doanh nghiệp sẽ có thể tiếp cận, đặc biệt  với doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục, tài sản đảm bảo.

Ngành cơ khí, chế biến chế tạo không giống như các ngành dịch vụ - có thể sinh lời sớm. Để đầu tư sản phẩm cơ khí, công nghiệp, doanh nghiệp phải nâng cấp công nghệ, chất lượng sản phẩm nên cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Trong khi thị trường tại thời điểm này vẫn chưa thực sự sáng sủa. Hoạt động của doanh nghiệp thực chất vẫn đang ở trạng thái duy trì, giữ chân người lao động và khách hàng", ông Long nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đoàn, đại diện Công ty cơ khí SKD Việt Nam cho hay, cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp cơ khí, từ lãi suất vay đến tiếp cận vốn vay để vực dậy ngành này. Doanh nghiệp vẫn đang cầm chừng sản xuất, chưa dám đầu tư mở rộng về công nghệ, máy móc, đó là chưa nói đến việc chuyển đổi số, hiện đại hóa.

Nhu cầu từ các thị trường chưa thực sự phục hồi khiến doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được các đơn hàng, giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vẫn còn cao. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong quý I/2023, đơn hàng của các doanh nghiệp gia công đã giảm từ 25 - 27% so với cùng kỳ năm trước do sức mua trên thế giới giảm sút. 

Mặc dù phía ngân hàng đã quyết định tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn nên việc vay vốn và tiếp cận vốn không phải dễ dàng.

"Chúng tôi mong có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp như cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên các nhóm nợ… để doanh nghiệp duy trì dòng vốn đảm bảo hoạt động qua thời gian khó khăn này. Cùng đó, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục giảm thuế, hoãn thuế; có mức lãi suất hợp lý với một số ngành hàng xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, tạo nhiều việc làm để khuyến khích doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định lao động…", ông Giang nói.

chọn
Hiện trạng khu công nghiệp 120 ha ở Bắc Giang vừa về tay Western Pacific
KCN Yên Lư mở rộng giai đoạn 1 do Western Pacific làm chủ đầu tư có tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng. Hiện trạng dự án này chủ yếu là đất trông lúa hai vụ với khoảng 95 ha dự kiến cần chuyển đổi.