Chủ tịch BRG: 'Lãi suất phải giảm thêm 2-3% nữa doanh nghiệp mới dám tiếp cận'

Theo Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga, doanh nghiệp nên mạnh dạn đến ngân hàng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp. Mức lãi suất hiện nay vẫn rất cao và vượt nhiều quốc gia trong khu vực, lãi suất cho vay phải giảm thêm 2-3% nữa thì mới phù hợp với khả năng tiếp cận và thực trạng sức khoẻ của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức sáng 2/4 dưới góc độ một "người trong cuộc", bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho hay, trong mấy năm vừa qua doanh nghiệp rất khó khăn.

Điển hình như trong giai đoạn Covid-19, sân golf của BRG thì đóng cửa hoàn toàn, khách sạn hoạt động 50-60% công suất. Để duy trì một lực lượng sản xuất để hồi phục sau Covid-19 là rất khó. Ban lãnh đạo của BRG có những thời điểm chỉ nhận 50% lương để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bước sang giai đoạn hiện nay, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân phải nỗ lực, sáng tạo để vượt qua khó khăn.

Lãi suất phải giảm thêm 2-3% mới phù hợp với thực trạng DN

Theo bà Nga có hai thách thức chính mà doanh nghiệp cần tập trung xử lý, chuẩn bị tốt để vượt qua. Thứ nhất là khó khăn về vốn, bà Nga cho hay rất tâm đắc với khuyến nghị của các chuyên gia tại Diễn đàn rằng doanh nghiệp phải đa dạng nguồn cung ứng vốn chứ không nên quá tập trung vào nguồn vốn tín dụng.

Theo bà Nga, nguồn vốn là "huyết mạch" của các tổ chức doanh nghiệp và để nguồn vốn không bị bất cập thì các doanh nghiệp nên kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư mới nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Với khó khăn chung của các doanh nghiệp về nguồn vốn tín dụng, bà Nga cho biết, sau giai đoạn căng thẳng về thanh khoản, hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều gói tín dụng lớn và giảm lãi suất cho vay.

"Đây là một chính sách rất tốt và kịp thời từ Chính phủ. Vì vậy, doanh nghiệp nên mạnh dạn đến ngân hàng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp", Chủ tịch BRG nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam. (Ảnh: DNVN).

Theo bà, không chỉ là chính sách "trên báo, trên TV" mà các ngân hàng cũng rất tích cực với chủ trương của Chính phủ và NHNN. "Tôi tin rằng hiện nay không ngân hàng nào làm trái chủ trương chính sách của Chính phủ để doanh nghiệp bớt khó khăn hơn", bà Nga nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch BRG cũng đánh giá, lãi suất hiện nay vẫn quá cao và vượt nhiều quốc gia trong khu vực. Mức lãi suất cho vay phải giảm thêm 2-3% nữa thì doanh nghiệp mới dám tiếp cận.

Ngoài vấn đề về vốn, thách thức thứ hai mà doanh nghiệp cần chú trọng là quản trị và nguồn nhân lực. Chủ tịch BRG cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chuyên nghiệp, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, quản trị nguồn nhân lực hiện đại, minh bạch.

Bà Nga cũng thừa nhận, việc xây dựng hệ thống quản trị và nguồn nhân lực chất lượng không phải điều dễ dàng và phải tích luỹ dần theo thời gian và quá trình phát triển của doanh nghiệp.

"Chứ không thể muốn doanh nghiệp lớn là lớn ngay được. Cần phải có thời gian và từng bước một để phát triển đội ngũ doanh nghiệp", bà nói.

Nhắc lại mục tiêu tại Nghị quyết 45 mà Chính phủ vừa ban hành cách đây hai ngày là "phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất hai triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế".

Bà Nga cho rằng, mục tiêu năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp nhưng đến nay mới chỉ có 800.000 doanh nghiệp tư nhân là một thách thức rất lớn. Để đạt được con số này cần có một chính sách hỗ trợ đặc biệt để nâng tầm hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp siêu nhỏ.

Nếu không trong hai năm tăng thêm gần 700.000 doanh nghiệp mà một mục tiêu rất khó khả thi nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Bà cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như phát triển nền tảng công nghệ số, cần có những chương trình, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ số, đưa cho doanh nghiệp những gói công nghệ để áp dụng phù hợp với quy mô từng nhóm. Doanh nghiệp lớn thì áp dụng gói gì, doanh nghiệp nhỏ có gói ưu đãi công nghệ gì, hộ kinh doanh cá thể khi lên doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng chính sách, công nghệ gì, bà Nga đề xuất.

Chủ tịch BRG cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực thì mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đừng trông đợi vào giải cứu từ bên ngoài thì sẽ không khả thi. Doanh nghiệp chỉ mong một sự hỗ trợ, dẫn dắt từ chính sách vĩ mô để làm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa. (Ảnh: DNVN).

Phát biểu tại diễn đàn, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa cũng cho rằng, mặc dù về vấn đề tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp tư nhân trong thời gian qua được quy định khá cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng trên thực tế, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thủ tục giấy tờ hồ sơ vay vốn rườm rà, nhiều ràng buộc, không nhất quán; sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thiếu thống nhất, dẫn đến sự cứng nhắc trong thủ tục, hồ sơ, quá trình thẩm định vay vốn kéo dài, nhiều tiêu chí khắt khe quá mức, chưa tháo gỡ được những khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện thực tế.

Từ đó, ông Cao Tiến Doan và một số doanh nghiệp đề nghị ngành Ngân hàng kịp thời có hướng giải quyết những vấn đề tồn đọng nêu trên, giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tiếp cận được các nguồn vốn. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro.

Các ngân hàng thương mại cổ phần cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên phụ trách tín dụng, cho vay để tư vấn, hỗ trợ kịp thời, an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp khi có nhu cầu vay.

Tăng cường thanh kiểm tra, rà soát các quy trình, quy định nội bộ, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn để có những giải pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, giúp doanh nghiệp hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và có chế tài xử lý nghiêm để tránh lợi dụng, thực hiện sai chính sách vay vốn để trục lợi.

chọn
Con trai chủ tịch Tân Hoàng Minh: 'Không ngờ hậu quả lớn đến vậy'
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, khai thực hiện các "biện pháp huy động vốn" để gỡ khó cho công ty nhưng "không lường được hậu quả lớn vậy".