Mặt bằng lãi suất huy động 6 tháng tăng 3,5 – 4 điểm % kể từ đầu năm
Theo số liệu từ Chứng khoán SSI, vào cuối tháng 11, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5 - 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.
"Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 3,5 - 4 điểm % so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước Covid - 19", bộ phận phân tích của SSI cho hay.
Các ngân hàng thương mại đua nhau nâng lãi suất huy động với lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng được áp dụng kịch trần 6%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dài lên trên ngưỡng 10%/năm, thậm chí có những thời điểm tại một vài ngân hàng đã vượt 11%/năm.
Lãi suất tiền gửi đã bắt đầu tăng nhanh hơn dự kiến từ nửa đầu năm 2022 và lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý II. Theo SSI Research, thanh khoản toàn hệ thống chịu áp lực vào đầu quý II sau sự cố của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Khi đó, lãi suất huy động của một số ngân hàng tăng trong khoảng 0,1-0,95 điểm % nhưng do nguồn cung tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng 1% - 2% so với đầu năm với các khoản giải ngân mới.
Cho đến hiện tại, áp lực đối với lãi suất trên thị trường 1 vẫn còn khá cao. Chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7 khi tăng trưởng tín dụng (đạt 11,5% vào cuối tháng 10) vượt xa so với tăng trưởng tiền gửi (4,8% so với đầu năm).
Theo chuyên gia TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, căng thẳng thanh khoản hệ thống rất khó để hạ nhiệt. Tăng trưởng tín dụng năm nay đã tăng hơn 11% khi mà huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 5%.
Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh của 10 năm
Không chỉ lãi suất trên thị trường 1, lãi suất liên ngân hàng trên thị trường 2 cũng chứng kiến mức tăng kỷ lục trong thời gian qua. Vào đầu tháng 10, lãi suất liên ngân hàng đã vọt lên trên 10% tại một số thời điểm trong tuần, đây là mức cao nhất kể từ năm 2012.
Gần như ngay lập tức sau đó, NHNN đã có những động thái hỗ trợ thị trường thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với khối lượng đạt 35.000 tỷ đồng trong ba ngày đầu tuần. Thanh khoản hệ thống được hỗ trợ bởi 45.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Sự bật tăng của lãi suất liên ngân hàng đã bắt đầu từ đầu tháng 9. Theo số liệu của NHNN, ngày 7/9, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng mạnh 1,17 điểm % lên 6,88%. Lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm trong tuần đầu tháng 9 bật lên vượt 7,5%.
Nguyên nhân được các chuyên gia phân tích đưa ra là do sự thiếu hụt thanh khoản hệ thống sau khi NHNN hút ròng mạnh trên 88.000 tỷ từ thị trường vào trung tuần tháng 8 (lượng hút ròng theo tuần cao nhất kể từ năm 2019 tới nay). Cùng với đó, hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá của NHNN cũng khiến một lượng lớn VND bị rút khỏi hệ thống ngân hàng.
Ở một góc nhìn khác, lãi suất VND liên ngân hàng được đẩy lên cao cũng được cho là xuất phát từ định hướng điều hành của NHNN nhằm tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá.
Sau đợt tăng mạnh vừa qua, lãi suất liên ngân hàng hiện đã quay đầu giảm nhiệt. Các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5-5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.
SSI Research kỳ vọng thanh khoản hệ thống sẽ trở lại trạng thái bình thường trong thời gian tới và NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt sử dụng kênh hoạt động thị trường mở nhằm có thể cân bằng giữa áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất.
Bên cạnh đó, NHNN có thể tiếp tục bơm thanh khoản trên thị trường mở và các công cụ bơm tiền khác để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng và không loại trừ khả năng NHNN tiếp tục tăng lãi suất điều hành.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, dự báo khi thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp khó khăn sẽ làm cho mặt bằng chung của nền kinh tế bắt đầu áp lực hơn. Năm 2023, dự báo thanh khoản sẽ căng thẳng hơn gây khó khăn cho thị trường tài chính và tạo sức ép tăng lãi suất.
Lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại, lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND.
Tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam cuối tháng 11, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận lãi suất của Việt Nam tăng tương đối nhanh trong khoảng hai tháng qua. Theo ông, lãi suất không thể và không nên tăng nhanh và tăng mạnh quá trong thời gian tới, nếu buộc phải tăng thì nên tăng từ từ nếu không doanh nghiệp sẽ không thể chịu được.
Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất huy động đua nhau tăng tại các ngân hàng như vậy, áp lực lên lãi suất đầu ra là không tránh khỏi, dẫn đến những người có nhu cầu đi vay lâm vào thế khó.
Theo báo cáo của SSI Research, lãi suất cho vay mua nhà đã tăng lên (phổ biến ở mức 13-15%) cũng đã gây ra sự do dự của những người mua nhà tiềm năng mặc dù một số chủ đầu tư bất động sản đã giảm giá 30 - 40% cho những người mua nhà có sẵn tiền mặt (với tỷ lệ thanh toán trước là 90%).
Lãi suất tăng, cộng thêm room tín dụng hạn hẹp khiến ngân hàng giải ngân cũng trở nên khó khăn và phải “chọn lọc” hơn. Thêm nữa, trong bối cảnh người dân đang phục hồi sản xuất kinh doanh sau COVID-19 cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn dịp cuối năm, lãi suất cho vay tăng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí vay vốn liên tục tăng, khả năng trả nợ của người dân cũng sẽ giảm đi và có thể dẫn đến nợ xấu.
Về giải pháp bình ổn lãi suất cho vay, chia sẻ tại họp báo chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc và NHNN khi điều chỉnh lãi suất này cũng đã tính đến mục tiêu này. Do đó, trong các lần điều chỉnh lãi suất thì NHNN tăng trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay, thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
"Chúng tôi cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới", Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn thông tin thêm.
Định hướng xuyên suốt của NHNN vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Mặc dù vậy, với tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định.
Chia sẻ với VTV, bà Phùng Thị Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết ngân hàng đang cố gắng giữ lãi suất huy động thấp hơn thị trường mà vẫn đảm bảo cạnh tranh được với các ngân hàng khác. Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu kiểm soát và bình ổn lãi suất cho vay.
Tuy vậy, việc giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện tại được nhận định là sẽ không dễ dàng do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh; Lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.
Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023
Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.