Hòa Phát của đại gia Trần Đình Long nợ ngân hàng hơn 41.300 tỉ đồng

Tổng nợ vay ngân hàng của Hòa Phát trong 3 tháng đầu năm là 41.343 tỉ đồng, tăng 13% so với đầu năm khiến cổ đông lo lắng. Tuy nhiên, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long cho rằng so với các tập đoàn có quy mô tương đương, đặc biệt cùng ngành sản xuất công nghiệp, thì các chỉ số tài chính của Hòa Phát tốt hơn hẳn.

Nợ ngân hàng 41.300 tỉ đồng, Hoà Phát cho biết chỉ số tài chính vẫn tốt

Tính đến cuối tháng 3/2020, tổng nợ phải trả của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát lên đến 57.046 tỉ đồng, chiếm hơn 50% tổng nguồn vốn của tập đoàn, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Hòa Phát cho biết.

So với con số ghi nhận hồi đầu năm nay, tổng nợ phải trả của Hòa Phát tăng 3.057 tỉ đồng, tương đương mức tăng 6%.

Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long nợ ngân hàng hơn 41.300 tỉ đồng - Ảnh 1.

Hết quý I/2020, Hòa Phát của đại gia Trần Đình Long nợ ngân hàng hơn 41.300 tỉ đồng. (Ảnh: HP).

Trong đó, tổng nợ vay ngân hàng của Hòa Phát là 41.343 tỉ đồng, tăng 13% so với đầu năm, chủ yếu đến từ khoản vay ngắn hạn. Cụ thể, nợ vay ngắn hạn ngân hàng trong 3 tháng đầu năm là 21.100 tỉ đồng, tăng 25%. Nợ vay dài hạn là 20.244 tỉ đồng, tăng 2%.

Chính mức tăng nợ vay này đã khiến cổ đông Hòa Phát lo lắng. Theo Hoà Phát, bộ phận quan hệ cổ đông đã nhận được một số chất vấn về tình hình tài chính, đặc biệt là dư nợ ngân hàng của tập đoàn. 

Đại diện Hòa Phát cho biết thực chất vay ròng của tập đoàn chỉ 36.179 tỉ đồng do Hòa Phát có 5.164 tỉ tiền gửi có kì hạn tại các ngân hàng.

Tỉ lệ vốn vay ròng so với vốn chủ sở hữu tại ngày 31/3/2020 là 0,72 lần. Nhưng theo Báo cáo Quản trị nội bộ tuần cuối tháng 4/2020, tỉ lệ vốn vay ròng chỉ còn 0,66 lần, tỉ lệ vốn vay ròng so với tổng tài sản là 0,31 lần.

Ngoài ra, tập đoàn của của ông Trần Đình Long cũng cho biết tại thời điểm cuối tháng 4, tiền gửi có kì hạn ở các ngân hàng của Hòa Phát là hơn 6.200 tỉ đồng.  Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp từ sau Tết Nguyên đán, đặc biệt Việt Nam thực hiện chính sách cách li xã hội trên toàn quốc trong 3 tuần đầu tháng 4, thì Hòa Phát nằm trong số hiếm doanh nghiệp có lượng tiền mặt dự trữ lớn như vậy.

"Các con số này cho thấy quản trị tài chính của Hòa Phát rất chặt chẽ, an toàn. So với các tập đoàn khác có quy mô tương đương, đặc biệt các tập đoàn sản xuất công nghiệp thì các chỉ số tài chính của Hòa Phát tốt hơn hẳn", đại diện Hòa Phát khẳng định với các nhà đầu tư.

Bất chấp Covid-19, lợi nhuận Hoà Phát vẫn tăng 27%

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Hòa Phát cho thấy tình hình kinh doanh của tập đoàn cũng khả quan ngay trong lúc dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung, và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng.

Doanh thu thuần về bán hàng cung cấp dịch vụ của Hòa Phát trong 3 tháng đầu năm đạt 19.233 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kì năm ngoái. Mức tăng giá vốn bán hàng thấp hơn so với tăng trưởng doanh thu, nên lợi nhuận gộp trong kì của Hòa Phát tăng đến 44% so với cùng kì, ghi nhận 3.763 tỉ đồng.

Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long nợ ngân hàng hơn 41.300 tỉ đồng - Ảnh 2.

Bất chấp Covid-19, lợi nhuận ròng quý I/2020 của Hoà Phát tăng 27% so với cùng kì. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

3 tháng đầu năm, dư nợ vay ngân hàng của Hòa Phát tăng mạnh, vì vậy, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng không đáng kể, nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh gấp 3,4 lần so với cùng kì năm ngoái, từ 241 tỉ lên thành 823 tỉ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm gần 60%, với 481 tỉ đồng. 

Như vậy, 3 tháng đầu năm, trung bình mỗi ngày, Hòa Phát phải chi hơn 5 tỉ đồng để trả nợ ngân hàng.

Đi kèm mức tăng trưởng doanh thu, chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng trong quý I/2020. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 34%, ghi nhận 258 tỉ đồng. Chi phí quản lí doanh nghiệp tăng 22%, ghi nhận 153 tỉ đồng.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm của Hòa Phát đạt 2.657 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kì; lãi ròng còn 2.305 tỉ, tăng gần 500 tỉ so với quý I/2019, tương đương mức tăng 27%.

Kết quả này cho thấy dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng lợi nhuận ròng của Hòa Phát vẫn tăng trưởng rất ấn tượng, thậm chí là mức tăng cao nhất của quý I trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay. 

Ông Trần Đình Long: Lúc khó khăn, Hoà Phát sẽ thể hiện sức bền của mình

Tập đoàn Hòa Phát cho biết tình hình kinh doanh quý I/2020 thuận lợi vì sản lượng bán thép tăng, trong khi giá vốn tốt, đồng thời, mảng nông nghiệp cũng bắt đầu cho lợi nhuận khả quan.

Cụ thể, doanh thu mảng sản xuất và kinh doanh thép tăng hơn 30%, đóng góp hơn 81% vào tổng doanh thu. 

Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long nợ ngân hàng hơn 41.300 tỉ đồng - Ảnh 3.

Bò Úc, trứng gia cầm của tỉ phú Trần Đình Long đang hái quả ngọt. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Lũy kế trong quý I/2020, thép xây dựng Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép) chiếm 31,9% thị phần tiêu thụ toàn thị trường, tăng nhẹ so với cùng kì. Trong đó, lượng thép thành phẩm xuất khẩu gần 135.000 tấn, tăng 75% so với cùng kì năm trước. 

Đặc biệt, lượng phôi thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.

Riêng tháng 3, thép xây dựng Hòa Phát cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước 486.000 tấn. Tất cả vùng miền đều ghi nhận tăng trưởng mạnh, trong đó thép xây dựng thành phẩm xuất khẩu tăng gấp 2,5 lần so với cùng kì, khu vực miền Nam tăng 89,7%. 

Ngoài thép, nhóm nông nghiệp đóng góp gần 2.800 tỉ đồng doanh thu và gần 500 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế cho Hòa Phát. Mức tăng trưởng lợi nhuận của mảng nông nghiệp tăng kỉ lục hơn 400% so với cùng kì năm ngoái.

Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long nợ ngân hàng hơn 41.300 tỉ đồng - Ảnh 4.

Ông Trần Đình Long: Lúc khó khăn, Hoà Phát sẽ thể hiện sức bền của mình. (Ảnh: Tri thứ trực tuyến).

Tại báo cáo thường niên năm 2019 do Hòa Phát vừa công bố, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long nhận định lĩnh vực nông nghiệp của tập đoàn với các ngành chính là sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi bò và trứng gia cầm… đang bước vào giai đoạn hái quả. 

Kể từ khi chính thức gia nhập mảng nông nghiệp hồi năm 2015, tỉ phú Trần Đình Long khẳng định các sản phẩm nông nghiệp của tập đoàn như cung cấp bò Úc, trứng gia cầm sạch Hòa Phát đang thuộc tốp đầu thị trường.

Năm 2020, doanh nghiệp đăt mục tiêu hoàn thành kế hoạch sản lượng 3,5-3,6 triệu tấn thép xây dựng, tăng trưởng 100% so với sản lượng đạt được tại phía Nam. Đồng thời, hoàn thanh các hạng mục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất. 

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, Hòa Phát phấn đấu tiếp tục giữ thị phần số 1 về cung cấp bò Úc, tăng trưởng ổn định mảng thức ăn chăn nuôi, gia cầm và chăn nuôi nuôi heo.

"Nền kinh tế Việt Nam trải qua 3 tháng đầu năm với tâm lí thị trường thăng trầm theo đại dịch toàn cầu SARS-CoV-2. Tuy nhiên, khi khó khăn chính là lúc Hòa Phát thể hiện sức bền dẻo dai của mình, giữ vững đà kinh doanh, đảm bảo lợi ích của cổ đông và đời sống của cán bộ công nhân viên tập đoàn", Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long nhấn mạnh.