Tập đoàn Vingroup đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, ghi nhận doanh thu thuần giảm đáng kể so với cùng kì năm ngoái, do không còn hợp nhất doanh thu từ mảng bán lẻ. Đồng thời, lãi ròng của Vingroup cũng giảm khoảng một nửa so với cùng kì năm ngoái.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 15.368 tỉ đồng, giảm 30% so với cùng kì năm ngoái. Sau khi trừ đi chi phí bán hàng, lợi nhuận gộp chỉ đạt 1.986 tỉ đồng, giảm đến 58% so với quý I/2019. Biên lãi gộp đã giảm mạnh từ 22% xuống còn 13% trong 3 tháng kinh doanh đầu năm 2020.
Trong kì, Vingroup ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 2,6 lần so với năm quý I/2019, đạt 8.934 tỉ đồng. Đây chính là tiền lãi từ việc thanh lí các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con của Vingroup.
Đáng chú ý, chi phí bán hàng của Vingroup 3 tháng đầu năm giảm mạnh gần một nửa so với cùng kì, chỉ còn 1.368 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lí doanh nghiệp tăng 14%, đạt 2.513 tỉ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước trước thuế hợp nhất của Vingroup đạt 3.428 tỉ đồng, tăng 1.500 tỉ so với cùng kì năm ngoái, tương đương mức tăng 78%.
Tuy nhiên, do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 2.670 tỉ, gấp 3 lần năm trước nên lãi ròng của Vingroup chỉ còn 505 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kì năm ngoái. Theo Vingroup, nguyên nhân do phần lớn lợi nhuận đến từ bất động sản và các hoạt động có chi phí thuế cao.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của tập đoàn Vingroup đạt hơn 413.600 tỉ đồng, tăng gần 10.000 tỉ so với đầu năm. Đà tăng chủ yếu nằm ở mục tài sản dài hạn gồm tài sản cố định hữu hình và tài sản xây dựng dở dang.
Đến cuối kì báo cáo, nợ phải trả của Vingroup là 291.500 tỉ đồng, gồm các khoản mục lớn như người mua trả tiền trước ngắn hạn 52.600 tỉ đồng, phải trả ngắn hạn khác hơn 50.300 tỉ đồng.
Nợ vay ngắn hạn tăng 28% so với hồi đầu năm, đạt 42.350 tỉ đồng. Nợ vay dài hạn thay đổi không đáng kể quanh 83.800 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Vingroup cũng cho thấy, trong kì, tập đoàn không còn ghi nhận doanh thu từ mảng bán lẻ, sau khi hoàn tất chuyển nhượng mảng kinh doanh này cho Tập đoàn Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang. Đây là nguyên nhân khiến doanh thu hợp nhất của Vingroup giảm mạnh so với cùng kì năm ngoái.
Hàng năm, bán lẻ giữ vị trí thứ hai trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn. Vì vậy, khi không còn ghi nhận kết quả kinh doanh mảng này, cơ cấu doanh thu của Vingroup cũng đã thay đổi.
Cụ thể, đóng góp nhiều nhất vào doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ vẫn là doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản, đạt 6.883 tỉ đồng, chiếm 45% cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, so với cùng kì năm ngoái, doanh thu mảng này đã giảm 1.547 tỉ đồng, tương đương giảm 18%.
Thế vị trí thứ hai của mảng bán lẻ trong đóng góp doanh thu của Vingroup đầu năm nay là mảng sản xuất. Cụ thể, mảng sản xuất bao gồm sản xuất xe VinFast và thiết bị công nghệ VinSmart mang lại cho Vingroup 3.259 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm, chiếm 21% cơ cấu doanh thu.
So với cùng kì năm ngoái, doanh thu mảng sản xuất đã tăng hơn 2.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây cũng là mảng hiếm hoi ghi nhận doanh thu tăng trong quý kinh doanh đầu tiên trong năm 2020 của tập đoàn tỉ phú Phạm Nhật Vượng.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, quý I/2019, Vingroup vẫn chưa ghi nhận doanh thu từ bán xe ô tô. Bắt đầu từ tháng 6/2019, doanh thu từ bán xe VinFast mới được tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận vào doanh thu của mảng sản xuất.
Đứng thứ ba trong đóng góp về cơ cấu doanh thu là mảng dịch vụ khách sạn, du lịch, khu vui chơi giải trí, ghi nhận 1.806 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kì năm ngoái.
Tiếp đến, doanh thu từ cho thuê bất động sản và các dịch vụ liên quan đạt 1.797 tỉ đồng, tăng 6,4%. Doanh thu từ dịch vụ y tế đạt 582 tỉ đồng, giảm 13%. Doanh thu từ giáo dục giảm 29%, còn 362 tỉ đồng.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của Vingroup có thể thấy trong 3 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn giảm không chỉ bởi không còn mảng bán lẻ mà doanh thu từ hầu hết các mảng đều sụt giảm.
Vingroup cũng cho biết chính dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến tình hình hoạt động của các mảng kinh doanh trong đầu năm nay và tập đoàn cũng không thể thoát khỏi tình cảnh chung khi đại dịch đang thách thức toàn bộ nền kinh tế.
Dù gặp khó khăn vì dịch bệnh nhưng Vingroup cho biết đã chuẩn bị những phương án kinh doanh cho từng mảng để thích nghi trong hoàn cảnh mới.
Cụ thể, Vinhomes sẽ tăng cường tương tác với khách hàng qua các kênh không gặp mặt trực tiếp, ra mắt kênh nội dung Youtube Vinhomes TV. Vinhomes đẩy nhanh tiến độ và ra mắt sớm website bán hàng trực tuyến Vinhomes Online.
Vincom Retail sau khi được hoạt động lại đã tăng cường vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, khử trùng và đo thân nhiệt cho khách. Đồng thời, đưa ra gói hỗ trợ 300 tỉ đồng hỗ trợ khách thuê trên toàn hệ thống. Hiện hệ thống Vincom Retail có 79 trung tâm thương mại tại 43 tỉnh thành, tổng diện tích sàn bán lẻ gần 1,6 triệu m2.
Vinpearl đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các hãng hàng không nội địa, cung cấp các gói dịch vụ du lịch trọn gói cao cấp quảng bá các điểm du lịch có sự hiện diện của Vinpearl.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, Vingroup cho biết VinFast bắt đầu đẩy mạnh chiến lược tận dụng hệ sinh thái của tập đoàn với chương trình mua nhà Vinhomes tặng voucher giảm giá khi mua xe VinFast lên tới 200 triệu đồng.
Ngoài ra, VinFast đồng loạt khai trương 18 showroom/xưởng dịch vụ tại chuỗi trung tâm thương mại Vincom trên toàn quốc, trở thành một trong 3 hãng xe có hệ thống xưởng dịch vụ lớn nhất Việt Nam chỉ sau chưa đầy một năm có mặt trên thị trường.
Đầu năm 2020, VinSmart ra mắt ba mẫu điện thoại mới là Active 3, Joy 3 và Star 3, vươn lên top 3 thương hiệu bán chạy nhất tháng 3 với 16,7% thị phần điện thoại thông minh.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020