Vinamilk gửi ngân hàng 14.500 tỉ đồng, mỗi ngày thu lãi 3 tỉ

Vinamilk đang có 14.500 tỉ đồng gửi ngân hàng, chỉ riêng tiền lãi đã đem lại 255 tỉ đồng bổ sung vào lượng tiền mặt của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm, tăng gần 100 tỉ so với cùng kì năm ngoái. Nếu tính trung bình, Vinamilk thu mỗi ngày gần 3 tỉ đồng lãi từ tiền gửi ngân hàng

3 tháng đầu năm, lãi ròng của Vinamilk giảm so với cùng kì năm ngoái vì dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, CEO Mai Kiều Liên cho rằng nhu cầu sữa chất lượng cao sẽ tăng, kì vọng Vinamilk trong thập kỉ tiếp theo sẽ đạt thành tích tốp 30 công ty sữa lớn nhất thế giới. 

Vinamilk giảm lãi vì Covid-19

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 vừa được Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) công bố, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm không nhiều khả quan, dù người tiêu dùng có xu hướng tăng cường mua thực phẩm dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe trong mùa dịch.

Vinamilk giảm lãi vì Covid-19, CEO Mai Kiều Liên vẫn kì vọng lọt tốp 30 doanh nghiệp sữa hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Quý I/2020, Vinamilk giảm lãi vì Covid-19. (Ảnh: VNM)..

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 3 tháng đầu năm của Vinamilk đạt 14.153 tỉ đồng, tăng 7,3% so với cùng kì năm ngoái. Giá vốn bán hàng hầu như không thay đổi khiến lợi nhuận gộp trong kì của Vinamilk cũng tăng 7,3%, đạt 6.606 tỉ đồng.

Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp lại tăng mạnh trong mùa dịch. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 13%, từ 2.670 tỉ đồng lên thành 3.004 tỉ. Chi phí quản lí doanh nghiệp từ 278 tỉ tăng lên thành 389 tỉ đồng, tương đương tăng đến 29%.

Vinamilk cho biết sở dĩ chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp phát sinh trong kì tăng mạnh, chiếm gần 1/4 doanh thu thuần chủ yếu do hợp nhất chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp của Công ty CP GTNFoods (GTN) - doanh nghiệp Vinamilk đang sở hữu 75% vốn từ quý I/2020 sau thương vụ hợp nhất hồi đầu năm nay.

Ngoài ra, chi phí hỗ trợ bán hàng tăng thêm trong mùa dịch Covid-19, cũng đẩy chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp của Vinamilk trong 3 tháng đầu năm.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Vinamilk hầu như không thay đổi so với cùng kì năm ngoái, đạt 3.358 tỉ đồng, lãi ròng của "ông lớn" ngành sữa còn 2.777 tỉ, giảm nhẹ 20 tỉ đồng so với quý I/2019. 

Vinamilk giảm lãi vì Covid-19, CEO Mai Kiều Liên vẫn kì vọng lọt tốp 30 doanh nghiệp sữa hàng đầu thế giới - Ảnh 2.

Biến động lợi nhuận trước thuế quý I giai đoạn 2015-2020 của Vinamilk. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Theo Vinamilk, do chi phí hoạt động tăng nhanh hơn doanh thu và thuế thu nhập doanh nghiệp hiệu lực tăng 100 điểm cơ bản lên 17,3%, nên đã đẩy lợi nhuận ròng quý I/2020 kém khả quan hơn so với năm 2019. 

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Vinamilk đạt 46.074 tỉ đồng, tăng 3% so với hồi đầu năm. Nợ vay ngắn hạn và dài hạn đều giảm nhẹ so với đầu năm. Cụ thể, nợ vay ngắn hạn giảm 8%, còn 13.315 tỉ đồng; nợ vay dài hạn giảm 3%.

Sữa Mộc Châu vừa về chung nhà đã đóng góp lớn cho Vinamilk 

Đáng chú ý, báo cáo của Vinamilk cũng cho biết thêm quý I/2020, Công ty CP GTNFoods sau khi được Vinamilk thâu tóm hồi đầu năm nay, tình hình kinh doanh đã có dấu hiệu khả quan và thương hiệu Sữa Mộc Châu đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng doanh thu của tập đoàn.

Cụ thể, trong kì, mảng kinh doanh nội địa giúp Vinamilk có 12.092 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 7,9% so với cùng kì và đóng góp 85,4% vào doanh thu thuần hợp nhất.

"Trong quý I/2020, GTN đã ghi nhận doanh thu thuần 633 tỉ đồng, tăng trưởng 1,6% so với cùng kì 2019 và đóng góp đang kể vào mức tăng trưởng 7,9% của toàn tập đoàn", báo cáo của Vinamilk cho biết. 

Tại cuộc họp được bầu chức Chủ tịch GTN hồi giữa tháng 2/2020, bà Mai Kiều Liên cho biết sẽ tái cơ cấu GTN theo hướng cốt lõi trong ngành sữa, bán những ngành nghề hoạt động không hiệu quả, sau đó, tận dụng kinh nghiệm trong ngành của Vinamilk, GTN sẽ tập trung vào Mộc Châu Milk.

Vinamilk giảm lãi vì Covid-19, CEO Mai Kiều Liên vẫn kì vọng lọt tốp 30 doanh nghiệp sữa hàng đầu thế giới - Ảnh 3.

Biến động lợi nhuận trước thuế quý I giai đoạn 2015-2020 của GTNfoods. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Kết quả quý đầu tiên tiếp quản, lợi nhuận trước thuế của GTN từ mức 17 tỉ tăng lên thành 40 tỉ đồng, tăng gấp 2,3 lần. Vinamilk cho biết biên lợi nhuận ròng của GTN đạt 6,3%, tăng mạnh so với cùng kì năm ngoái. Vinamilk khẳng định kết quả này cho thấy sự hiệu quả của Vinamilk trong quá trình tiếp quản và cải thiện hoạt động tại GTN.

Trong khi mảng kinh doanh tại GTN tốt lên và đóng góp đáng kể vào doanh thu chung của tập đoàn thì doanh thu thuần của công ty mẹ Vinamilk chỉ tăng trưởng hơn 1%, đạt 10.911 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Theo Vinamilk, mức tăng trưởng của công ty mẹ thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu một số kênh bán hàng bị ảnh hưởng lớn.

Cụ thể, các trường học trên cả nước đóng cửa đóng cửa từ cuối tháng 1/2020 và số lượng chuyến bay quốc tế bị tạm ngưng, bay nội địa bị cắt giảm từ cuối tháng 3 để phòng dịch, đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ.

Tuy nhiên, nhờ bù lại từ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, bổ sung thực phẩm dinh dưỡng tăng sức đề kháng phòng bệnh mà doanh thu bán sữa không bị giảm. Các kênh phân phối truyền thống, hiện đại và cửa hàng riêng của Vinamilk vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu, đặc biệt kênh bán hàng hiện đại tăng trưởng mạnh.

Trong khi đó, các chi nhánh tại nước ngoài của Vinamilk trong quý I/2020 chỉ ghi nhận doanh thu thuần 980 tỉ, tăng chưa đến 1% vì dịch Covid-19, khiến các trường học đóng cửa.

Nữ tướng Mai Kiều Liên kì vọng Vinamilk lọt Top 30 doanh nghiệp sữa hàng đầu thế giới 

Trong khi kinh doanh không được thuận lợi vì dịch bệnh Covid-19, lợi nhuận ròng quý I/2020 giảm nhưng Vinamilk vẫn sở hữu lượng tiền mặt rất lớn.

Tính đến cuối tháng 3, tiền và các khoản tương đương tiền của Vinamilk lên đến 15.750 tỉ đồng, tăng gần 5.000 tỉ so với cùng kì năm ngoái. Trong số này, Vinamilk đem gửi ngân hàng 14.500 tỉ đồng.

Chỉ riêng tiền lãi từ gửi ngân hàng đã đem lại cho Vinamilk 255 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng gần 100 tỉ so với cùng kì năm ngoái. Nếu tính trung bình, nhờ lượng tiền "khủng" gửi ngân hàng, Vinamilk thu vào mỗi ngày gần 3 tỉ đồng tiền lãi.

Vinamilk giảm lãi vì Covid-19, CEO Mai Kiều Liên vẫn kì vọng lọt tốp 30 doanh nghiệp sữa hàng đầu thế giới - Ảnh 4.

CEO Mai Kiều Liên: Vinamilk hướng đến mục tiêu 30 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới. (Ảnh: VNM).

Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết trong tình hình dịch bệnh, bên cạnh thực hiện nghiêm phòng chống dịch, doanh nghiệp sẽ hoãn hoặc giãn một số dự án đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm nay để đảm bảo khả năng thanh khoản và an toàn tài chính. 

Đồng thời, cân đối và duy trì mức tồn kho nguyên vật liệu hợp lí. Đối với các nguyên vật liệu chính, tiếp tục theo dõi biến động thị trường để có thể chọn thời điểm mua được với mức giá tốt nhất, góp phần cải thiện lợi nhuận gộp cho những tháng còn lại của năm.

Vinamilk cũng cho biết thêm sẽ tăng cường kiểm soát nợ phải thu bán hàng, kịp thời phát hiện các khó khăn về tài chính để có biện pháp kiểm soát và ứng phó thu hồi công nợ.

Tại báo cáo thường niên 2019 vừa công bố, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho biết định hướng chính của tập đoàn trong năm nay là tiếp tục ứng dụng công nghệ vào hoạt động, với mục tiêu trở thành những doanh nghiệp sữa tốp đầu thế giới.

"Chúng tôi tin tường rằng với sự phát triển của kinh tế và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao đối với các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng, thập kỉ tiếp theo của Vinamilk sẽ tiếp tục là một thập kỉ của tăng trưởng bền vững và hướng đến mục tiêu 30 công ty sữa lớn nhất thế giới", Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết.