Nữ tướng Mai Kiều Liên: Tôi có 8 tiếng làm việc cơ quan, 8 tiếng còn lại làm osin ở nhà


Nữ tướng ngành sữa khẳng định nhà mình từ xưa đến nay không có người giúp việc. Vợ chồng con cái thống nhất và giúp nhau làm việc nhà vì bà không muốn con mình to tiếng, sai bảo người khác.
 

Vốn kín tiếng, bị cho “tránh xa truyền thông”, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên lần đầu xuất hiện trong sự kiện Women’s Summit 2018 với chủ đề Kiến tạo tương lai, tổ chức ngày 18/10 thu hút sự quan tâm của báo chí, giới lãnh đạo nữ.

Bà Liên cũng là nữ lãnh đạo duy nhất được vinh danh và trao giải thưởng “Thành tựu trọn đời”; vì những thành tích và đóng góp có tầm ảnh hưởng của bà đối với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, do Forbes Việt Nam lần đầu trao tặng.

“Bị yêu cầu học ngành sữa, tôi ngỡ ngàng, thất vọng”

“Trong đoàn học sinh Việt Nam sang Liên Xô hồi đó có 176 người, có 4 người ‘bị’ yêu cầu học về công nghệ chế biến sữa trong đó có tôi. Trước khi đi học không ai biết mình sẽ học gì cho đến khi tới biên giới Liên Xô và Trung Quốc thì mới được biết. Hồi đó đi, người ta mơ học Vật lí, Hóa học, học Y, các ngành kĩ thuật khác chứ chế biến thịt, sữa hoàn toàn không có trong suy nghĩ, vì nước mình không có nhà máy làm sữa. Ngoài Bắc mới có nông trường Mộc Châu được mấy trăm con bò thôi. Nên khi nghe ngành mình phải học, tôi rất ngỡ ngàng, thất vọng”, bà Mai Kiều Liên mở đầu chia sẻ của mình tại sự kiện.

nu tuong mai kieu lien toi co 8 tieng lam viec co quan 8 tieng con lai lam osin o nha
Bà Mai Kiều Liên. (Ảnh: Dân trí).

Bà kể vì mình không không được từ chối, buộc phải học ngành phân công nên đã hỏi ý kiến ba mình, là bác sĩ Mai Văn Thông.Nhưng ba bà yêu cầu bà phải học, vì sau chiến tranh, vấn đề đầu tiên phải giải quyết là chuyện suy dinh dưỡng trẻ em, cải thiện thể lực, sức khỏe cho mọi người. Nghe lời ba, bà đi học, rồi “nghiệp” làm sữa gắn chặt suốt cuộc đời bà.

Năm 1976, sau khi lấy bằng kĩ sư, bà Liên về Việt Nam, làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk bây giờ.

Từ công việc ban đầu là kĩ sư, bà làm Phó giám đốc kĩ thuật, Phó tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay.

Năm 2003, khi Vinamilk được cổ phần hóa, bà kiêm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Đến 2015, bà không đảm nhiệm vị trí này mà tập trung điều hành với vai trò Tổng giám đốc.

Hơn 40 năm gắn bó, bà Mai Kiều Liên đã biến Vinamilk từ một doanh nghiệp với tài sản khoảng 100 triệu USD lên 2 tỉ USD hiện nay, nằm trong Top 3 công ty có giá trị niêm yết lớn nhất Việt Nam. 90% ý tưởng sản phẩm mới được Vinamilk đưa ra thị trường hằng năm được phát triển dựa trên ý tưởng của bà.

Khi được yêu cầu chia sẻ khó khăn nhất trong hành trình 40 năm quản lí, điều hành doanh nghiệp, CEO Vinamilk nói bà không thấy cái gì khó khăn nhất từ trước đến giờ: “Tôi nghĩ khó khăn luôn đồng hành chúng ta, không có cái nào khó nhất, mỗi giai đoạn có một khó khăn riêng buộc chúng ta phải vượt qua. Với tôi là một lãnh đạo, tôi sẽ phải tìm ra mắc xích giải quyết, chứ thời kì nào cũng có khó khăn hết”, bà Liên nói.

Hỏi điều gì khiến bà tiếc nhất, chưa hài lòng đến thời điểm này, nữ tướng ngành sữa không ngần ngại nói đó là có những việc có thể bà sẽ làm tốt hơn nữa nếu được làm lại. Nên đó là điều bà cảm thấy tiếc nhất.

“Tôi từng làm cà phê, làm bia nhưng chưa thành”

Thừa nhận thương trường là chiến trường, nhưng CEO Vinamilk cho rằng chiến trường bà nói tới là chỉ để những người làm sữa chiến đấu không mệt mỏi, tạo ra ngành sữa Việt không phụ thuộc nước ngoài. Ngành sữa của Việt Nam từ không có gì hiện đã xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.

“Tự hào nhất của tôi 40 năm làm sữa là chúng ta có một ngành công nghiệp sữa không kém gì khu vực. Chúng ta cũng xây dựng được hệ thống chăn nuôi bò sữa quy mô, ước mơ bao nhiêu năm đã đạt được. Riêng sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 40 nước.Mình đặt mục tiêu nghiêm túc, đam mê nghiêm túc và đã chiến đấu hết sức để đạt được. Khi chúng ta có mong muốn thì đạt được hết”, bà nói.

CEO này cũng nói bà cảm ơn các đối thủ bởi có đối thủ, có cạnh tranh thì các doanh nghiệp cùng ngành mới tiến bộ, cùng đồng hành, phát triển, nhưng mục tiêu trước hết là vì người Việt không thiếu sữa, giảm suy dinh dưỡng, cải thiện thể trạng.

Cũng lần đầu tiên chia sẻ câu chuyện đầu tư và những quyết định đầu tư của mình, bà Liên thừa nhận có một số quyết định đưa ra chưa đúng thời điểm, và không thành công như mong muốn. Đó là câu chuyện làm nhà máy bia, nhà máy cà phê nhưng phải chuyển nhượng.

“Có thể chúng tôi đầu tư sớm quá, không đúng thời điểm. Thời điểm quyết định làm cà phê, tôi đã nhận thấy câu chuyện cà phê hóa chất, cà phê trộn đậu nành, bắp. Chúng tôi làm cà phê sạch nhưng không thể cạnh tranh nổi với cà phê lề đường. Nhưng bây giờ, tôi thấy đơn vị nào tham gia làm cà phê sạch thì khả năng thành công tốt hơn, bởi bây giờ người tiêu dùng nhận thức tốt về an toàn thực phẩm. Còn bia, hồi đó tôi tính liên doanh, nhưng lại trục trặc nhân sự, liên doanh không còn mình phải tự làm. Nhưng bia có đặc thù riêng và không giống sữa. Chúng tôi phải chuyển nhượng nhà máy bia, tập trung vào ngành cốt lõi là sữa”, người đứng đầu Vinamilk chia sẻ thật.

“Tôi không muốn con sai khiến người khác, cả nhà cùng làm việc nhà”

Chia sẻ bí quyết thành công của một lãnh đạo nữa, bà Mai Kiều Liên nói nam hay nữ, mỗi người sẽ có một bí quyết để làm lãnh đạo thành công và không ai giống ai. Nhưng thực tế phụ nữ có lợi thế nhiều hơn.

“Tôi thấy phụ nữ chỉ thua nam giới sức lực cơ bắp, vì trời sinh như vậy rồi. Còn tất cả mọi cái khác như kiến thức, đạo đức, đối nhân xử thế, quan hệ xã hội là như nhau hết. Nhưng phụ nữ có lợi thế hơn là mềm mỏng, lại luôn lắng nghe người đối diện, luôn nhìn kỹ xem họ muốn gì. Nữ cũng có tính lo xa, làm việc gì cũng nghĩ nhiều phương án, làm việc gì cũng tính xa, và có chuẩn bị trước nên cũng tránh được rủi ro”, bà chia sẻ.

Với riêng bà thì bà đặt tiêu chí đầu tiên là sự chân thành và làm gương. Bà nói mình phải chứng minh được là mình dẫn dắt tốt, công ty đi lên được, cuộc sống của cả mình và nhân viên được nâng lên. Chứng minh phải có kết quả đúng.

Bà luôn tuân thủ nghiêm túc thời gian, kỉ luật làm việc. Đều đặn hàng ngày không đi công tác, không họp hành bên ngoài bà sẽ lên công ty đúng 8h sáng và 5h chiều về nhà. Sau 5h chiều thì bà giành thời gian cho gia đình vì không có người giúp việc.

Lý do không nhờ người giúp việc được CEO Vinamilk lý giải vì không muốn con mình ỷ lại, trông chờ vào người khác phục vụ mình những công việc mà bản thân phải tự làm như cơm nước, giặt giũ.

Bà cũng không muốn hai con mình sai khiến, to tiếng với ai dù người đó là người làm trong nhà. Chính vì vậy mà đã bàn với chồng, con và thống nhất cả nhà sẽ cùng nhau làm hết mọi việc sau giờ học, giờ làm của các thành viên gia đình. Chồng bà cũng ủng hộ, giúp đỡ vợ nhiều hơn để mình vừa hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo ở công ty, vừa làm tốt trách nhiệm người vợ, người mẹ ở gia đình.

nu tuong mai kieu lien toi co 8 tieng lam viec co quan 8 tieng con lai lam osin o nha Doanh nhân Mai Kiều Liên: Vị ‘thuyền trưởng’ của ngành sữa Việt

Được mệnh danh là “nữ hoàng sữa Việt”, doanh nhân Mai Kiều Liên - Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ...

nu tuong mai kieu lien toi co 8 tieng lam viec co quan 8 tieng con lai lam osin o nha Bà Mai Kiều Liên trở thành tỷ phú như thế nào?

Tại Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Mai Kiều Liên không những khẳng định được tài năng lãnh đạo mà còn trở thành ...

nu tuong mai kieu lien toi co 8 tieng lam viec co quan 8 tieng con lai lam osin o nha Bà Mai Kiều Liên đang kiếm bộn tiền

Chốt phiên giao dịch ngày 26/5, cổ phiếu VNM của Vinamilk dừng ở mức 152.000 đồng/CP và bà Mai Kiều Liên - CEO Vinamilk - ...

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.