Chiều nay, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao.
Chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng tới Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với chức năng là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, Bộ gánh vác rất nhiều trọng trách.
Chủ nhiệm VPCP truyền đạt 5 vấn đề Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ quan tâm, trong đó có vấn đề tinh giản biên chế và tiền lương là rất quan trọng.
Ông dẫn Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị yêu cầu 6 năm phải giảm 10% biên chế và đưa ra số liệu kiểm toán tại một số bộ và 14 địa phương cho thấy vượt tới hơn 63.200 người.
“Tôi ở địa phương rồi tôi biết, khi bí lên là dùng cả lao động hợp đồng, biên chế viên chức làm trong đơn vị hành chính. Tức là ngồi ở phòng công chức nhưng không phải là công chức. Đây là thực tế và cần phải có sự chấn chỉnh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. (Ảnh: T.Hằng). |
Thế nhưng nhiều bộ ngành địa phương vẫn đề nghị bổ sung biên chế công chức. "Chính tôi và Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phải quyết liệt ngồi đối thoại với nhau.
Chúng ta không thể thực hiện sai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, dứt khoát không thể tăng biên chế công chức, không thể chấp nhận phình bộ máy để tăng biên chế công chức và viên chức", Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
"Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý, Bộ Nội vụ cần quan tâm đến vấn đề tinh giản biên chế để cải cách tiền lương.
Nếu không tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ thì không lấy đâu ra tiền để tăng lương".
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cảnh báo, không có tiền tăng lương thì còn lâu mới tuyển được người vào. Nếu có tuyển được, họ vào hôm trước, hôm sau họ ra.
Vì vậy, ông nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sâu sát, đốc thúc quyết liệt để giúp Thủ tướng thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 7, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, biên chế, đầu tư xây dựng.
"Hiện cả nước có khoảng 3,1 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, nếu tiết kiệm chi cho đội ngũ này sẽ làm được nhiều việc”, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nêu.
Giải trình với Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhìn nhận: "Chúng tôi nhận thấy mình lớn lên một bước. Có những việc chúng ta không thể thấy cái lưng của mình được.
Có những việc chúng ta chỉ nhìn thấy thành tích chứ không nhìn thấy được khuyết điểm của mình. Qua buổi làm việc, chúng tôi thấy còn rất nhiều công việc còn phải làm".
Nói về việc sắp xếp bộ máy trong bộ, ông Tân cho hay, Bộ Nội vụ không còn ai cấp phòng trong các vụ chuyên môn và cam kết với Chính phủ sẽ giảm biên chế từ 15% trở lên.
Nói về công tác thanh tra, kiểm tra, tư lệnh ngành Nội vụ cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa rồi Bộ Nội vụ đề xuất với Chính phủ và đã có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra, thanh tra công vụ ít nhất 30%, trong đó có cả các đơn vị trực thuộc bộ.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân (Ảnh: Thu Hằng). |
“Không phải đi thanh tra, kiểm tra người ta rồi không làm mình, nội dung cũng xoay quanh các vấn đề tổ chức biên chế, thi tuyển, tuyển dụng...
Tôi đã nói với các đơn vị trực thuộc bộ, trước khi làm sạch nhà người khác thì phải làm sạch nhà mình trước”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Đề cập đến cải cách thủ tục hành chính, ông Tân cho rằng phải đổi mục tiêu, đừng quản lý công việc, đừng quá thiên về chi tiết, cầm tay chỉ việc, sợ cái này, sợ cái kia.
"Mình sợ 1 người gian làm khó 100 người ngay thì không được”, ông Tân nói và lưu ý không thể để một cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo CCHC mà nằm ở vị trí thứ 9 về CCHC và đứng thứ 17/19 về cải cách TTHC.
Giải thích việc một số nhiệm vụ được giao còn chậm trễ, Bộ trưởng Nội vụ lưu ý cán bộ: "Không thể chúng ta chỉ làm việc 8 tiếng tại cơ quan được.
Kể cả ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ cũng phải có người trực làm việc ở đây. Tôi gọi các đồng chí bất cứ lúc nào cũng phải phát hành văn bản, dù lúc đó là 11h đêm".
Ông kể, có hôm thứ 7, chủ nhật, 11h rưỡi, VPCP vẫn bấm chuông đưa thư, tối đó ông xử lý văn bản và ký xong luôn chứ không chờ đến thứ 2.
“Chúng ta không phải học ai mà học ngay VPCP cách làm việc như thế, đừng ngâm. Tôi không bao giờ để tài liệu quá 1 ngày mà các đồng chí để 3, 4 ngày là không được đâu”, Bộ trưởng Nội vụ nhắc cán bộ của mình.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lưu ý, từ các vụ trưởng phải kiểm soát được công việc của mình đến các Thứ trưởng phụ trách phải nhớ và xử lý công việc của mình. Khi phân công, giao việc cụ thể thì phải ghi ngày, cần thiết ghi cả giờ.
TP.HCM lập tổ công tác đặc biệt giải quyết thấu đáo vụ Thủ Thiêm
Chiều 20/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng tổ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ... |
Vụ vận chuyển 288 bánh heroin: Đâm ô tô vào xe tổ công tác hòng tẩu thoát
Ngày 25.2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) thông tin ban đầu về ... |
Công khai và hành động nhìn từ Tổ công tác của Thủ tướng
Tình trạng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ rõ là “bắn chỉ thiên quá nhiều” đến nay dần được khắc phục khi Tổ ... |