HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa ban hành nghị quyết về việc tăng lương cho phi công thuộc đội bay B787/A350. Quyết định tăng lương có hiệu lực từ ngày 1/9.
Đáng chú ý, nếu đúng theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ tăng lương cho phi công từ ngày 1/6/2020, tức đợt điều chỉnh lương này sớm hơn đến 9 tháng.
Vietnam Airlines đã quyết định tăng tiếp 22% lương cho phi công đội bay B787/A350, từ ngày 1/9 tới. (Ảnh:Zing).
Mức khoán tiền lương chuyến bay của đội bay B787/A350 tăng 22% so với thời điểm điều chỉnh lương gần nhất là ngày 1/6/2019.
Theo đó, tổng thu nhập trước thuế của lái chính, giáo viên bay 85 giờ mỗi tháng của các dòng máy bay này sẽ tăng thêm 21 triệu đồng, lên thành 116 triệu đồng/tháng và lái phụ sẽ là 56 triệu, tăng 10 triệu so với trước đó.
Tuy nhiên, mức lương khoán trên Vietnam Airlines vẫn chưa gồm các khoản thu nhập khác như lương chức danh, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp giám sát viên bay, lương vượt giờ bay…
Sau khi điều chỉnh, phi công chính và giáo viên tại Vietnam Airlines có mức thu nhập trung bình là 229 triệu đồng/tháng, lái phụ là 136 triệu đồng/tháng.
Hiện mức thu nhập cao nhất dành cho lái chính và giáo viên Vietnam Airlines là 271 triệu đồng/tháng, lái phụ 160 triệu đồng/tháng.
Sau điều chỉnh, lương phi công Vietnam Airlines tăng 22%. (Đồ hoạ: Quốc Minh)
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng quyết định tăng lương sớm đối với các phi công đội bay B787/A350 vì năng suất lao động tăng của đội bay này tăng.
Đồng thời, quyết định tăng lương sớm cũng nhằm đảm bảo mức thu nhập cho đội ngũ người lái máy bay trong bối cảnh có nhiều ràng buộc từ cơ chế quản lí, nhất là các quy định chặt chẽ về mức lương, thưởng theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Từ ngày 1/6/2019, Vietnam Airlines đã cải cách tiền lương cho phi công Việt Nam, và cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc cải cách cho đến năm 2025.
Thời gian qua, trong bối cảnh thị trường hàng không ngày càng sôi động, nhiều hãng mới cùng tham gia bay, dẫn đến có hiện tượng tranh giành phi công giữa các hãng bay.
Lãnh đạo Vietnam Airlines từng cho biết đầu năm nay, hãng mất tới 30% nhân sự, chủ yếu là phi công, khi có hãng bay mới vừa gia nhập thị trường.
Tiền lương trung bình của phi công, tiếp viên Vietnam Airlines qua các năm. (Đồ hoạ: Quốc Minh).
Đến giữa năm, Bamboo Airways đã "tố" Vietnam Airlines "chơi xấu", cạnh tranh không lành mạnh, khi gửi văn bản đóng dấu "mật" đến Bộ Giao thông Vận tải, nói hãng này giành giật phi công, và đề nghị không cấp phép bay đối với Boeing 787 của Bamboo Airways.
Căng thẳng vấn đề nhân sự giữa các hãng bay khiến Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không.
Trong các văn bản mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng luôn nhắc các hãng bay mới phải có kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ phi công, nhân viên kĩ thuật, bảo dưỡng tàu bay, để phát triển ổn định, khai thác an toàn tàu bay, năng lực phục vụ của cơ sở hạ tầng hàng không, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt phi công như hiện nay.
Kinh doanh 15:59 | 15/05/2020
Kinh doanh 18:08 | 07/05/2020
Kinh doanh 05:30 | 28/04/2020
Kinh doanh 20:26 | 27/04/2020
Kinh doanh 06:38 | 19/04/2020
Kinh doanh 06:39 | 18/04/2020
Kinh doanh 00:14 | 10/04/2020
Kinh doanh 18:09 | 22/03/2020