'Không phải lỗi của người Vũ Hán'

Li Zichao cho rằng Vũ Hán trở thành điểm bùng phát của dịch bệnh chỉ là ngẫu nhiên. Đó có thể là bất kỳ thành phố nào khác và trong việc này, người Vũ Hán không có lỗi.

Những ngày cách li của 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona: Bị cách li riêng biệt trong bệnh viện sau khi đến Việt Nam, gia đình Li Zichao đã cùng nhau vượt qua khó khăn để chiến đấu với dịch bệnh virus corona.

Li Zichao (28 tuổi) và Li Zing (66 tuổi), 2 cha con nhiễm virus corona đầu tiên tại Việt Nam, vẫn chưa thể đoàn tụ sau gần 3 tuần bị cách li. Nhưng ít ra, họ được ở gần nhau hơn và biết chắc chắn rằng người thân của mình vẫn ổn.

Li Zichao được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 22/1 rồi được các y bác sĩ điều trị thành công. Sau đó, anh đã xin ở lại để có thể chăm sóc, đồng hành cùng ông Li Zing - người đối mặt quá trình điều trị khó khăn hơn vì có tiền sử đái tháo đường, u phổi, mạch vành.

Chàng trai 28 tuổi vẫn gọi điện cho cha mỗi ngày để ông biết rằng bên kia dãy hành lang, vợ con đang cùng ông chiến đấu, chờ ngày nắm tay nhau quay về Vũ Hán.

Tất cả đều mặc đồ “phi hành gia”

Đó là cảm nhận đầu tiên của Li Zichao khi được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi cha con anh nhập viện sau biểu hiện sốt, ho liên tục. Con đường được phong tỏa, không ai được lại gần cho đến khi họ được dẫn đến phòng cách li.

“Trong phòng ai cũng che chắn rất cẩn thận, từ đồ bảo hộ, khẩu trang, kính, trừ 2 cha con tôi. Chúng tôi cảm thấy khác biệt và lo lắng trước tình trạng đó”, anh Li hồi tưởng.

'Không phải lỗi của người Vũ Hán' - Ảnh 2.

Các bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ khi tiếp xúc với anh Li Zichao trong quá trình điều trị. (Ảnh: Trương Khởi).

Anh Li nói đùa rằng khi vào viện, anh còn không thể biết mặt những người đang điều trị cho mình vì họ bảo hộ cẩn thận, trông như "phi hành gia". Dần dần, Li quen thuộc với giọng nói, ánh mắt của các y bác sĩ và phân biệt được từng người. Bác sĩ chính là nguồn động viên của anh trong những ngày nằm viện.

“Các bác sĩ vô cùng tốt. Họ hỏi thăm tình trạng của hai cha con tôi mỗi ngày và luôn khích lệ chúng tôi rằng hai người có thể vượt qua và sẽ khỏe lại rất nhanh thôi. Điều đó giúp tôi rất nhiều”, Li nói.

Giai đoạn tồi tệ nhất với thanh niên này là những ngày trong phòng cách li thấy sức khỏe của cha ngày càng sụt giảm. Thấy ông Li Zing sốt 38 độ C, anh lập tức gọi cho bác sĩ phụ trách. Cuộc gọi lúc nửa đêm nhanh chóng được phản hồi. Bác sĩ trấn tĩnh anh rằng triệu chứng này không có gì đặc biệt và họ vẫn đang làm chủ tình hình. Thông tin này khiến anh thấy an tâm hơn.

Chàng trai 28 tuổi kể lúc đầu, anh chỉ có ý định đưa cha vào viện điều trị vì ông có dấu hiệu sốt, ho rất nặng. Khi các bác sĩ yêu cầu cách li, anh đã không đồng ý. May mắn sau đó, anh đã đồng ý làm theo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng - như lời giải thích của các y bác sĩ.

'Không phải lỗi của người Vũ Hán' - Ảnh 3.

BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Lê Quân).

Thời điểm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận cha con anh Li là chiều tối 28 Tết. Để ứng phó với dịch corona, 30 bác sĩ, điều dưỡng được huy động để hỗ trợ điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn và xử chất thải đúng quy trình.

BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khó khăn lớn nhất khi bắt đầu ứng phó dịch bệnh là huy động lực lượng có đủ chuyên môn, sự cần mẫn, tỉ mỉ để tránh lây lan.

“Khi tất cả người dân và không ít nhân viên y tế lo ngại chạy ra thì mình lại xông thẳng vào chỗ chắc chắn là có bệnh rồi. Chọn lựa nhân viên những ngày đó không phải dễ”, BS Hùng chia sẻ.

Ngay khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã trực tiếp mặc đồ bảo hộ, đi thẳng vào phòng thăm khám bệnh nhân những ngày giáp Tết. BS Hùng chia sẻ đây chính là nguồn động viên rất lớn đã “sốc vác” tinh thần các y bác sĩ trực tiếp điều trị xuyên Tết cho 2 cha con người Trung Quốc.

“Vũ Hán không có lỗi, người Trung Quốc không có lỗi"

Sau gần 3 tuần kể từ khi được xác nhận dương tính với virus corona, ông Li Zing, vẫn không thể giải vì sao mình lại mắc phải căn bệnh quái ác này. Bệnh dịch được cho là bắt nguồn từ một khu chợ tại Vũ Hán, nơi hai vợ chồng ông chưa từng đặt chân đến.

Ông không hề biết rằng mình đã có một quá trình ủ bệnh dài suốt chặng đường xuất cảnh từ Trung Quốc đến Việt Nam.

“Khi chúng tôi đến Việt Nam (13/1), tình hình khi đó khá ổn định và Vũ Hán vẫn chưa bị cô lập. Chúng tôi không thể dự đoán được tình huống đó sẽ xảy ra”, ông Li Zing nói qua điện thoại.

'Không phải lỗi của người Vũ Hán' - Ảnh 4.

Bà Hu Xiao Lian (mẹ Li Zichao) vui vẻ nói về quá trình bị cách li tại Bệnh viện Quận 11. (Ảnh: N.T.H).

Li Zichao vẫn không thôi áy náy vì cho rằng anh đã khiến chuyến du lịch Tết của ba mẹ trở thành một cuộc cách li trong bệnh viện. Nhưng điều khiến cả gia đình anh thấy có lỗi hơn cả là đã gián tiếp gây nguy hiểm cho rất nhiều người, đặc biệt là nữ lễ tân tại Nha Trang - người từng tiếp xúc với hai cha con được xác định dương tính với virus corona.

“Chúng tôi cảm thấy rất tệ khi biết những người khác bị nhiễm bệnh vì chúng tôi. Chúng tôi rất tiếc. Con virus này thực sự điên rồ. Nó lây nhiễm một cách quá nhanh”, anh Li chia sẻ.

'Không phải lỗi của người Vũ Hán' - Ảnh 5.

Li Zichao trong ngày xuất viện. (Ảnh: Lê Quân).

Theo dõi từng thông tin về quê hương những ngày ở viện, Li vừa cảm thấy lo lắng cho người thân, bạn bè ở quê nhà, vừa thấy bản thân mình may mắn.

“Tôi không muốn ốm ở bất đâu, dù là nước ngoài hay quê nhà. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy may mắn vì được điều trị tại Việt Nam”, thanh niên này nghĩ rằng hệ thống y tế quá tải, thiếu đủ thứ tại Vũ Hán lúc này có thể khiến cả gia đình lâm vào tình trạng tồi tệ hơn.

Dù vậy, anh Li và gia đình sẵn sàng về nhà sau khi khỏi bệnh. Anh Li cho rằng việc Vũ Hán trở thành điểm bùng phát của dịch bệnh chỉ là ngẫu nhiên.

“Đó có thể là bất thành phố nào khác nhưng lần này là Vũ Hán. Đây không phải lỗi của người Vũ Hán hay người Trung Quốc. Chỉ là chúng tôi không may mắn”, anh Li nói.

'Không phải lỗi của người Vũ Hán' - Ảnh 6.

Hành trình di chuyển của gia đình Vũ Hán trước khi nhập viện cách li. (Đồ họa: Minh Hồng).

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Uông nối TP Uông Bí - TX Quảng Yên, Quảng Ninh
Một cầu vượt sông Uông dự kiến được xây dựng kết nối TP Uông Bí với - TX Quảng Yên, Quảng Ninh trên tuyến đường từ QL18 đi đường 338.