12h trưa, điều dưỡng Nguyễn Văn Trung mặc lên người lớp đồ bảo hộ rồi kéo chiếc xe đẩy ra xếp các hộp cơm lên. Bộ đồ màu bạc làm bằng vải bóng dễ liên tưởng đến một phi hành gia chuẩn bị bay vào vùng không trọng lực. Trang phục của anh kín từ đầu đến chân, chỉ để hở đôi mắt.
Anh Trung đội thêm chiếc mũ có lớp kính trong suốt che kín mặt, đảm bảo không có một vùng da nào phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Khi mọi công đoạn bảo hộ đã hoàn tất, anh bước qua cánh cửa đầu tiên để chuẩn bị đưa cơm cho các bệnh nhân nằm trong phòng cách li tự động.
Đây là công việc phát sinh của anh, sau khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bắt đầu tiếp nhận những ca được xác định là dương tính với chủng mới của virus corona (2019-nCoV).
Với bộ đồ bảo hộ như phi hành gia, không gian mà anh Trung bước vào cũng có cảm giác như một trạm vũ trụ với những cánh cửa tự động đóng mở. Toàn bộ khu vực anh làm việc được ngăn cách với bên ngoài bằng những bảng ghi “Khu vực cách li nguy hiểm” và “Không phận sự miễn vào”.
Phòng cách li gồm 2 ngăn buồng. Buồng bên trong là khu vực nghỉ ngơi và nhà vệ sinh. Buồng bên ngoài kê chiếc giường gấp và một tủ chứa đồ cá nhân. Đến giờ cơm, người bệnh sẽ di chuyển ra buồng ngoài và ăn uống ngay tại đó.
Khi nghe tiếng bánh xe đưa cơm di chuyển bên ngoài, những bệnh nhân trong phòng hướng đôi mắt e dè ra khỏi khung cửa kính hình chữ nhật. Đến mỗi phòng, anh Trung chỉ cần bấm một nút điện tử bên ngoài là cửa sẽ tự động mở. Việc đưa cơm diễn ra rất nhanh chóng trong im lặng, hạn chế sự giao tiếp.
Kết thúc công việc của mình, nam điều dưỡng cởi bộ đồ bảo hộ và vứt vào thùng rác màu vàng có ký hiệu dành riêng cho loại rác chứa hóa chất sinh học. Bộ đồ chỉ sử dụng một lần. Mọi thao tác sát khuẩn sau đó được làm rất thuần thục, trước khi anh quay trở lại phòng trực cùng các đồng nghiệp.
“Những bộ đồ bảo hộ giúp chúng tôi yên tâm hơn khi chăm sóc các bệnh nhân dương tính với virus”, anh Trung nói.
Đó là cách các bác sĩ và điều dưỡng cần làm để bảo vệ chính mình trong quá trình tiếp xúc với người bệnh. Nhưng điều đó không bảo vệ cho họ tránh khỏi e dè từ những người hàng xóm ở nhà.
Tối mùng 3 Tết, sau hai ca trực mệt mỏi ở bệnh viện khi dịch mới bắt đầu bùng phát, điều dưỡng Nguyễn Thị Lan Anh trở về khu trọ của mình ở Hà Đông. Nữ điều dưỡng trẻ vốn được nhiều người trong xóm trọ yêu mến vì hiền lành và lễ phép, nay chị nhận thấy thái độ khác lạ của mọi người khi gặp mình.
Người chủ nhà gọi Lan Anh vào nói chuyện, bảo cả tổ dân phố đã họp lại khi biết tin chị đang làm việc ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và cũng chăm sóc cho những bệnh nhân nằm trong khu cách li. Họ yêu cầu chị không được trở về phòng trọ trong những ngày tới vì lo sợ chị sẽ mang mầm bệnh về nhà.
“Tôi đã giải thích rất rõ là chúng tôi có đồ bảo hộ chuyên dụng, hàng xóm vẫn yêu cầu tôi không trở về chỗ trọ trong những ngày này”, nữ điều dưỡng nói.
Những điều dưỡng, lao công thầm lặng nơi cách li virus corona: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vắng hoe vì nỗi sợ lây nhiễm. Ở đây chỉ còn bóng dáng thầm lặng của những y bác sĩ, điều dưỡng chiến đấu cùng bệnh nhân.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cười xòa khi chúng tôi hỏi về những áp lực của một lãnh đạo khoa ở thời điểm này.
Ông nói rằng khi diễn biến bệnh dịch chưa quá nghiêm trọng, nhiệm vụ của những điều dưỡng, y tá và bác sĩ điều trị nặng nề hơn ông rất nhiều. Họ là những người trực tiếp chăm sóc và tiếp xúc với các bệnh nhân hàng ngày. Nhiều thời điểm, số lượng người đến khám sàng lọc quá lớn khiến các y bác sĩ phải làm việc liên tục.
“Họ là những người phải bỏ cả gia đình, con cái để trực chiến trong mùa dịch này”, bác sĩ Cấp nói về những nhân viên của mình.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương những ngày này rất vắng vẻ. Khoa cấp cứu của một bệnh viện tuyến đầu về các bệnh truyền nhiễm, ở thời điểm dịch bắt đầu bùng phát, lại không hề ồn ào hay hối hả như thường ngày.
Màu vàng neon xuất hiện ở mọi nơi trong khu vực cách li. Những dải ngăn cách trải dọc từ cổng vào bệnh viện đến khu vực khoa cấp cứu. Mọi giao tiếp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân tiến hành trong im lặng, qua những lớp trang phục bảo hộ kín bưng.
Bà Đàm Thị Thời, nhân viên tạp vụ trong khoa truyền nhiễm, đã làm một phép so sánh nhỏ về lượng rác thải bà gom hàng ngày để chứng minh sự vắng vẻ của bệnh viện trong những ngày có dịch.
“Trước đây, hầu như hôm nào bệnh nhân cũng ngồi kín phòng chờ của khoa cấp cứu. Tôi ướt đầm hết 2 cái áo vì phải gom và đổ rác liên tục mà không hết việc. Nhưng kể từ khi có dịch, lượng bệnh nhân giảm hẳn, mỗi ngày tôi chỉ cần gom 2 chuyến xe rác”, bà Thời nói.
Không khó để lí giải tình trạng trên. Bệnh nhân biết có những người dương tính với virus corona được chuyển vào đây nên không ai muốn ở lại. Bệnh viện vắng đến nỗi thang máy lúc nào cũng sẵn sàng để đưa người đi các tầng. Bà Thời tận dụng khoảng trống ở cầu thang bộ làm nơi để đồ đạc cá nhân và trải chiếu nghỉ ngơi.
Giống như anh Trung, bà lúc nào cũng sẵn có một bộ trang phục "phi hành gia" bên người. Khi có yêu cầu của nhân viên y tế, nữ lao công mặc đồ bảo hộ và sẵn sàng bước vào phòng cách li để lau dọn vệ sinh. Sự nhàn nhã của nữ lao công cũng song hành cùng sự căng thẳng khi hàng ngày phải gom rác thải của người nhiễm bệnh.
Nhưng người phụ nữ ngoài 50 tuổi không lấy đó làm lí do để thoái thác công việc. Bà tin tưởng những lớp bảo hộ sẽ giúp mình an toàn, giống những nhân viên y tế hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân.
“Giờ mình không làm thì lấy ai làm, rác thải lại bừa bộn ra đấy. Mình bảo vệ kỹ khi làm việc thì không có gì phải sợ”, nữ lao công nói và tiếp tục công việc của mình, như bà đã làm từ khi bệnh viện mới thành lập.
Trong không gian đặc quánh mùi thuốc khử trùng ở khoa cấp cứu, chúng tôi nhận ra một đôi mắt lấp ló bên trong cửa kính phòng cách li. Đó là bà Hoa, một trong những bệnh nhân ở Vĩnh Phúc được xác định dương tính với virus corona sau chuyến đi Vũ Hán.
Thấy có người tiến đến nơi mình đứng, bà Hoa lùi lại, nép vào khoảng tối trong phòng, không muốn để ai nhìn thẳng mặt dù bà đã đeo khẩu trang.
Người phụ nữ từ chối cung cấp thông tin cá nhân khi được hỏi tên, dùng ánh mắt dò xét trước mỗi lời hỏi thăm, nhưng lại không giấu được sự tò mò khi chúng tôi nhắc đến tình hình ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Bà tỏ ra sốt ruột khi phải ở trong phòng cách li quá lâu, trong khi ở nhà còn nhiều việc phải làm. Ở quê bà, mùa vụ mới đang đến.
Mất một lúc, cuộc nói chuyện mới cởi mở hơn. Người phụ nữ vừa nói vừa nhún gót, đung đưa 2 cánh tay từ trước ra sau để thực hiện một động tác thể dục. Ở trong phòng kín lâu ngày khiến cơ thể bà rệu rã. Bà thậm chí còn không có một đồ vật nào để giải khuây, ngoài một chiếc điện thoại đen trắng dùng để gọi về nhà.
“Tôi thấy người vẫn khỏe mạnh, bình thường”, bà Hoa nói, không chắc lắm về những gì mình đang chia sẻ.
Nhưng tờ giấy xét nghiệm bà cầm trên tay không nói dối.
Niềm an ủi mỗi ngày của bà đến vào những lúc được nói chuyện với người thân qua điện thoại, được các bác sĩ tận tình chăm sóc, có những bữa cơm đầy đủ, tươm tất hàng ngày.
Mỗi ngày, những điều dưỡng như anh Trung hay chị Lan Anh sẽ đến chăm sóc cho bà Hoa và những bệnh nhân ở các phòng cách li khác. Công việc chính là phát thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đưa cơm và hỗ trợ vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân khi cần. Mọi công đoạn đều được thực hiện qua lớp đồ bảo hộ, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Sau khi ăn xong, bệnh nhân chủ động để rác ra cửa và những nhân viên tạp vụ như bà Thời sẽ đến dọn đi. Toàn bộ nhân vật bên trong khu vực cách li tương tác với nhau theo một quy trình khép kín như vậy.
Điều dưỡng Lan Anh nhận xét những bệnh nhân đang cách li có tâm lí khá thoải mái. Họ vẫn dùng điện thoại để đọc báo, xem phim và gọi điện về cho người thân. Một số người tỏ ra buồn nhưng khi được động viên đều tươi tỉnh lên. Các bệnh nhân nhận thức được rằng việc cách li là để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh mình.
Còn bà Hoa, khi nghe thông tin về nhiều ca bệnh ở Việt Nam được chữa khỏi, đôi mắt của bà ánh lên tia hy vọng.
Ngày 10/2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho 3 bệnh nhân ở Vĩnh Phúc xuất viện sau khi chữa khỏi viêm phổi do nCoV. Đó là nữ bệnh nhân N.T.D. (24 tuổi; ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên), nam bệnh nhân T.C.P. (30 tuổi; địa chỉ Minh Quang, Tam Đảo) và nữ bệnh nhân V.H.L. (29 tuổi; địa chỉ Gia Khánh, Bình Xuyên).
Trước đó, Việt Nam cũng điều trị thành công 3 ca bệnh nhiễm nCoV tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh hóa và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
(*) Tên một số nhân vật đã được thay đổi.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020