Đề xuất quy định mới về người đứng tên trên sổ đỏ

Theo Dự thảo thông tư đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến, với 2 vợ chồng có chung tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thể hiện các thông tin của cả vợ, chồng và quan hệ hôn nhân giữa 2 người trên hồ sơ địa chính.

Toàn văn dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến. 

Liên quan đến nội dung hồ sơ địa chính, dự thảo đang quy định nhóm dữ liệu về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người quản lý đất gồm các loại dữ liệu được xác định và thể hiện như sau:

Thứ nhất, dữ liệu mã đối tượng sử dụng đất, đối tượng sở hữu tài sản gắn liền với đất, đối tượng được Nhà nước giao quản lý đất được thể hiện trên sổ mục kê đất đai theo quy định về thống kê, kiểm kê đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ hai, về dữ liệu tên người sử dụng đất, tên chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, tên người quản lý đất.

Đối với cá nhân thể hiện các thông tin: "ông" hoặc "bà"; họ và tên, năm sinh được ghi theo giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc giấy chứng minh quân đội nhân dân hoặc giấy khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác của người đó.

Cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch (kể cả trường hợp nhận thừa kế, tặng cho nhà, đất nhưng không thuộc đối tượng được mua nhà ở tại Việt Nam) phải ghi "ông" (hoặc "bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, quốc tịch theo hộ chiếu của người đó.

Đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi họ tên và số giấy tờ nhân thân của các thành viên có chung quyền sử dụng đất.

Đối với hai vợ chồng có chung tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thể hiện các thông tin: Họ và tên, năm sinh của cả vợ và chồng và quan hệ hôn nhân giữa hai người.

Trường hợp có văn bản thoả thuận của hai vợ chồng chỉ ghi tên vợ hoặc tên chồng (có chứng thực của UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú) thì ghi tên một người theo văn bản thỏa thuận đó.

Đối với tổ chức trong nước thì thể hiện tên gọi đầy đủ của tổ chức theo giấy tờ về việc thành lập, công nhận hoặc đăng ký kinh doanh của tổ chức (nếu có).

Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thì thể hiện tên gọi đầy đủ của pháp nhân thực hiện dự án đầu tư theo giấy phép đầu tư hoặc giấy đăng ký kinh doanh của pháp nhân đó.

Đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao thì thể hiện tên gọi đầy đủ của tổ chức theo văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất, cho thuê đất hoặc về việc thành lập, cho phép hoạt động của tổ chức hoặc theo văn bản đã ký kết giữa hai Chính phủ.

Đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thì thể hiện tên gọi đầy đủ mà tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Đối với cộng đồng dân cư thì thể hiện tên gọi do cộng đồng dân cư xác định, được UBND cấp xã xác nhận.

Đối với trường hợp thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất (gọi chung là nhóm người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất) thì thể hiện tên của từng người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.

Trường hợp nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có văn bản thỏa thuận (được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật) cử người đại diện đứng tên thì thể hiện tên của người đại diện theo quy định; sau đó ghi thêm "là đại diện cho nhóm người sử dụng đất" hoặc "là đại diện cho nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất" theo văn bản thỏa thuận đó.

Trường hợp có nhiều người được thừa kế theo pháp luật nhưng chưa xác định được đầy đủ những người đó thì thể hiện tên của những người được nhận thừa kế đã được xác định; tiếp theo phải thể hiện "và một số người thừa kế khác chưa được xác định".

Trường hợp nhà chung cư để bán hoặc bán kết hợp cho thuê thì khi đăng ký chuyển nhượng căn hộ đầu tiên phải thể hiện thêm "cùng với các chủ sở hữu căn hộ chung cư được thể hiện chi tiết tại phần đăng ký căn hộ chung cư.

Trường hợp chủ đầu tư đã bán hết diện tích nhà chung cư thì thể hiện "của các chủ sở hữu căn hộ chung cư được thể hiện chi tiết tại phần đăng ký căn hộ chung cư".

(Ảnh minh họa: Hạ Vũ). 

Thứ ba, về dữ liệu giấy tờ pháp nhân (đối với tổ chức) hoặc giấy tờ nhân thân (đối với cá nhân).

Đối với cá nhân, vợ hoặc chồng của người đó phải thể hiện các thông tin về giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy chứng minh quân đội nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu có) gồm: Tên giấy chứng minh (được viết tắt là GCMND hoặc GCMQĐ) hoặc thẻ căn cước công dân (được viết tắt là TCCCD) và số của giấy chứng minh, thẻ căn cước công dân; trường hợp chưa có giấy chứng minh và thẻ căn cước công dân thì thể hiện thông tin về giấy khai sinh (tên và số giấy khai sinh).

Đối với cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài (mang quốc tịch nước ngoài) sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì phải thể hiện các thông tin: Tên giấy tờ (hộ chiếu); số, ngày cấp hộ chiếu và quốc tịch của người đó. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài thì được lựa chọn thể hiện thông tin theo hộ chiếu hoặc theo quy định.

Đối với tổ chức trong nước phải thể hiện các thông tin: Loại giấy tờ; số, ngày ký, cơ quan ký giấy tờ làm cơ sở xác định tên gọi của tổ chức đó (như quyết định thành lập, quyết định công nhận hoặc giấy đăng ký kinh doanh của tổ chức - nếu có).

Đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư thì thể hiện các thông tin: Tên giấy tờ pháp nhân (văn bản thành lập hoặc giấy phép hoạt động tại Việt Nam hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy đăng ký kinh doanh); số, ngày ký, cơ quan ký giấy tờ đó.

Thứ tư, về dữ liệu địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người quản lý đất. Dữ liệu địa chỉ được thể hiện gồm có: Số nhà hoặc số căn hộ (nếu có); tên ngõ, phố hoặc tên tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản; tên đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh.

Đối với cá nhân thể hiện địa chỉ theo nơi đăng ký thường trú. Đối với tổ chức thể hiện địa chỉ theo trụ sở chính mà tổ chức đó đăng ký. Đối với cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thể hiện theo địa chỉ tạm trú của người đó ở Việt Nam. Đối với cộng đồng dân cư thể hiện địa chỉ nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư đó.

Thứ năm, trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất nhưng không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở thì phải thể hiện hạn chế quyền sử dụng đất theo quy định.

chọn
Đề xuất siết tín dụng với người mua nhiều nhà đất
Ngoài đánh thuế, Hội Môi giới đề xuất giảm hạn mức cho vay, tăng tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự có với người mua nhiều nhà đất nhằm hạn chế đầu cơ.