Anh Minh tạm biệt mẹ để lên phố thị kiếm tiền chữa căn bệnh ung thư cho người sinh thành ra mình. (Ảnh: Trang Anh). |
Vào những ngày cuối năm dưới tiết trời se lạnh, chúng tôi từ TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) ghé về xã hòa Phú (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
Trên đường đi không khó để chúng tôi bắt gặp những người nông dân vẫn rong rủi, tần tảo bên nương rẫy của mình với hi vọng có một cái Tết ấm no, đủ đầy.
Khi hay về hoàn cảnh của anh Trương Đình Minh (46 tuổi, trú tại thôn 2, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) dù bị tật nguyền nhưng vẫn lao động để nuôi mẹ già, chúng tôi ghé nhà anh để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình.
Dưới căn nhà nhỏ được nhà nước xây dựng là nơi sinh sống cũng là chỗ đầm ấm, hạnh phúc nhất của 2 mẹ con.
Khi chúng tôi đến nơi, anh Minh đang chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi thường nhật của mình để lấy tiền nuôi mẹ già. Nghe tiếng xe máy dừng lại ở sân, anh Minh chống gậy dò dẫm bước ra ngoài đón khách.
Sau khi chúng tôi giới thiệu, anh Minh nở nụ cười hiền mời khách vào nhà. Với cây gậy là người “bạn thân” của mình, anh chậm rãi lấy nước mát mời khách rồi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của cuộc đời mình.
Anh Minh cho hay, anh là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Tuy nhiên, từ khi sinh ra cuộc sống anh đã bất hạnh khi không có cơ hội nhìn thấy ánh sáng mặt trời và được vui chơi, đùa nghịch như bạn bè cùng trang lứa.
Cứ thế anh lớn lên trong vòng tay của người mẹ Bùi Thị Lịch (SN 1944) cùng các anh chị của mình.
Đến khi lớn, các anh chị của anh Minh cũng yên bề gia thất và bận bịu lo cho cuộc sống gia đình riêng. Kể từ đó, anh và người mẹ già nương tựa nhau sống trong căn nhà được nhà nước hỗ trợ.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày đau ốm, bà Lịch đi thăm khám thì được các bác sĩ chuẩn đoán bị ung thư tử cung. Mặc dù các con bà chạy vạy khắp nơi lấy thuốc chữa trị, nhưng bệnh tình của bà vẫn không thuyên giảm.
Cứ thế, bà Lịch suốt ngày thuốc thang và chịu đựng cơn đau dày xé cơ thể. Tuy nhiên, bệnh cũ chưa thuyên giảm, cách đây ít lâu bà lại đi khám và phát hiện có khối u ở phổi.
Nhưng do thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, người con lại tật nguyền nên bà không chịu đến bệnh viện để điều trị mà uống thuốc cầm cự tại nhà.
Hành trang là cây gậy và một chiếc túi cứ đều đặn khi mặt trời mới mọc anh Minh lại lên đường, tới tối khi mặt trời lặn thì anh lại về với mẹ (Ảnh: Trang Anh). |
Kể từ khi mẹ mắc bệnh, cứ đều đặn 6h sáng hàng ngày, anh Minh với hành trang là chiếc túi nhỏ và người “bạn thân” của mình dò dẫm ra đường quốc lộ để bắt xe lên thành phố để xin ít tiền về lo cho mẹ.
Với gương mặt buồn bã hướng về phía xa, anh Minh cho hay, mặc dù anh biết công việc ăn xin bị mọi người chê bai, dè bỉu nhưng bất đắt dĩ anh mới phải làm công việc này để có thể lo cho mẹ.
“Bản thân tôi vừa bị mù, vừa không có sức khỏe nên chẳng ai thuê làm gì cả. Giờ đây nhà nghèo, mẹ lại mắc nhiều bệnh tật nên tôi phải cắn răng đi xin từng đồng để lo cho mẹ. Xã hội này cũng nhiều người tốt lắm, họ thương tình nên cho tôi tiền lo cho mẹ.
Tuy nhiên, có những hôm tôi xin được vài chục nghìn đồng, đang định mua đồ ngon ngon về cho mẹ bồi bổ thì cướp sạch. Cũng có những lần tôi vô ý đi đụng làm hư đồ người ta thì bị giữ lại bắt bồi thường. Những lúc đó tôi cảm thấy bất lực và thương mẹ nhiều hơn…”, anh Minh nghẹn ngào nói.
Cứ thế, ban ngày anh Minh rong rủi trên các tuyến phố, quán ăn, quán nước xin khách chút tiền lẻ. Đến trưa, anh ăn tạm bợ hôm thì cơm bụi, hôm thì bánh mì…để tiếp tục hành trình nuôi mẹ già bị ung thư của mình.
Đến khi mặt trời khuất sau dãy núi, anh Minh lại vội vã bắt xe về nhà để lo cơm nước và kể cho mẹ nghe về 1 ngày trên phố thị của mình. Hai mẹ con cùng nhau ăn bữa cơm đạm bạc nhưng đầy ắp tình yêu thương.
“Từ nhỏ tôi đã bị mù nên mẹ là người bên cạnh an ủi, nuôi tôi khôn lớn. Do đó công ơn của mẹ không có gì sánh bằng.
Tôi mặc dù bị mù nhưng vẫn còn có sức khỏe nên sẽ cố gắng hết sức lo cho mẹ để đền đáp công ơn sinh thành và nuôi dưỡng mẹ”, anh Minh cho biết.
Với gương mặt chi chít nếp nhăn, bà Lịch rưng rưng nước mắt nói, bà cũng đã tuổi cao sức yếu nên cũng không quan tâm đến bệnh tình của mình nữa.
Giờ đây bà chỉ lo cho người con út của mình, từ nhỏ Minh đã khổ lớn lên còn khổ hơn khi phải chăm sóc cho bà.
“Tôi thương nó lắm, cứ xin tiền về rồi lo thuốc thang cho tôi hết ngay cả ăn uống nó cũng không màng tới.
Ước gì trước đây sinh con ra lành lặn thì con đã không phải khổ như thế này, sau này tôi có mất đi nó cũng có thể tự lo cho mình rồi lấy vợ sinh con”, bà Lịch lau vội hai dòng nước mắt đang tuôn dài trên gò má.
Thông tin về hoàn cảnh này, ông Nguyễn Thanh Hào - Phó Chủ tịch xã Hòa Phú cho biết, gia đình anh Minh thuộc diện hộ nghèo đã lâu tại địa phương. Hiện nay anh Minh phải nuôi người mẹ già mắc bệnh hiểm nghèo.
Do bị mù nên anh Minh không thể làm được việc gì mà phải đi ăn xin để nuôi mẹ già. Vào những dịp lễ tết, chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ gia đình.
Rơi nước mắt trước hoàn cảnh 5 'chú tiểu' bị bỏ rơi vừa giành được 100 triệu trong chương trình 'Thách thức danh hài'
Trong tập 8 Thách Thức Danh Hài vừa lên sóng, 5 chú tiểu từ 3 – 5 tuổi đã xuất sắc giành giải thưởng 100 ... |
Hoàn cảnh éo le của cụ bà 61 tuổi cùng đàn cháu sống nhờ tiền mót mủ cao su
Sau khi chồng và các con mất, bà Siu Peo phải gồng gánh làm thuê, cuốc mướn nuôi nấng 4 người cháu. Có những hôm ... |