Patricia Li đang vô cùng lo lắng khi chứng kiến làn sóng người Trung Quốc rời Johor, bang miền nam của Malaysia. Khi cô đến đây từ Vân Nam hồi năm 2017, cô thấy tương lai đầy triển vọng. Hàng nghìn người Trung Quốc tới Malaysia để mua bất động sản, sở hữu căn nhà riêng thứ hai bên ngoài biên giới đại lục.
Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc cũng đầu tư vào Johor bởi Johor rất gần Singapore, cũng là nơi nhiều người Trung Quốc muốn trải nghiệm cuộc sống mới. Country Garden - tập đoàn địa ốc ở Quảng Châu - tiết lộ rằng họ đã đầu tư 4,83 tỉ USD vào Malaysia từ năm 2011.
Cô Li mở quán trà ở Johor để phục vụ cộng đồng người Hoa sang Malaysia theo chương trình “Malaysia - Ngôi nhà thứ hai của tôi” (MM2H), theo South China Morning Post.
Chính phủ Malaysia mở chương trình MM2H từ năm 2002, cấp thị thực 10 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài. Từ năm 2002 đến năm 2018, chính phủ Malaysia cấp thị thực cho 43.943 người theo chương trình MM2H, với khoảng 30% số họ mang quốc tịch Trung Quốc.
Tình hình thay đổi từ khi dịch Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) rồi lan rộng. Tháng trước, chính phủ Malaysia quyết định đình chỉ chương trình MM2H theo qui định cấm người ngoại quốc nhập cảnh vào Malaysia trong giai đoạn dịch lây lan.
Muốn định cư tại Johor, nhưng nhiều người Trung Quốc buộc phải cân nhắc. Nhiều người quyết định rời Johor về Trung Quốc. Một số người bán tháo nhà lỗ nặng vì họ không biết thời điểm họ có thể quay lại Malaysia.
"Tôi buồn khi thấy trên WeChat quảng cáo bán căn hộ 48 m2 ở Johor với giá chỉ 600.000 tệ (88.640 USD). Tôi từng chi hơn một triệu tệ để mua một căn tương tự", Li kể.
Quán trà của Li ngừng hoạt động từ vài tháng qua do nhiều người Trung Quốc đã rời Johor. "Tôi tưởng bất động sản ở đây sẽ tăng giá và quán trà sẽ thu hút nhiều khách Trung Quốc. Covid-19 khiến mọi thứ đã thay đổi", Li than thở.
Wendy Wu, một người từ Bắc Kinh, khẳng định người Trung Quốc sẽ không dám mua nhà ở Malaysia nếu chính phủ không cấp thị thực dài hạn cho họ.
Hàng loạt sinh viên Trung Quốc cũng rời các trường quốc tế ở Johor về nước vì dịch. Với Li, các trường ấy là một phần quan trọng trong kế hoạch định cư của cô.
Giống như Li, nhiều người Trung Quốc mua nhà ngay từ lần đầu đến Johor vì hàng loạt yếu tố thuận lợi (gần Trung Quốc và Singapore, có khí hậu trong lành, hệ thống giáo dục tốt, đặc biệt là giá nhà chỉ bằng 1/4 so với giá nhà ở khu trung tâm Bắc Kinh.
Giáo sư Simon Zhao, một giảng viên thuộc Đại học quốc tế BNU-HKBU nhận định đầu tư của giới trung lưu Trung Quốc ở nước ngoài lao dốc từ khi dịch bùng lên. Nguyên nhân đến từ việc chi tiêu của người dân giảm do suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân không chuẩn bị tốt cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài.