Những doanh nghiệp bị lỗ đè năm COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của nhiều ngành nghề đặc biệt là ngành hàng không, du lịch, khách sạn,... khiến nhiều doanh nghiệp ôm lỗ hàng nghìn tỷ, thậm chí có công ty bị lỗ 'đè' đến hàng chục nghìn tỷ đồng năm COVID-19.
Những doanh nghiệp bị lỗ 'đè' năm COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp lỗ kỷ lục năm 2020. (Đồ họa: Alex Chu).

Năm 2020, năm COVID-19 lần thứ nhất đã gây ra nhiều tác động tiêu cực chưa từng có đến hoạt động của nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nói riêng.

Trong ba quý đầu năm 2020, sự sa sút trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đã được bù đắp bằng các kết quả có phần tươi mới vào những tháng cuối năm khi Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch COVID-19. 

Trong khi một số doanh nghiệp tận dụng cơ hội và báo lãi quý IV tăng trưởng và bù được khoản lỗ trong ba quý trước đó thì một số doanh nghiệp vẫn không thoát được cảnh bị lỗ "đè" năm COVID-19.

Doanh nghiệp chịu lỗ nghìn tỷ đầu tiên phải kể đến Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - Mã: HVN). Kết quả thua lỗ trong năm đã được dự báo. Cả năm 2020, doanh nghiệp hàng không đã lỗ hợp nhất 11.098 tỷ đồng sau thuế, dù vậy vẫn khả quan so với dự báo của công ty trước đó là 14.445 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp bị lỗ 'đè' năm COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: M.H tổng hợp từ báo cáo tài chính của các công ty.

Sở dĩ có sự khác biệt này là do Vietnam Airlines đã được Chính phủ cho phép thay đổi cách tính khấu hao máy bay và phân bổ chi phí bảo dưỡng máy bay, động cơ theo số giờ khai thác thực tế thay vì theo phương pháp đường thẳng như các năm trước.

Một doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã báo lỗ khoảng 1.324 tỷ đồng năm 2020. 

Nguyên nhân chính, theo người đứng đầu công ty, do đại dịch COVID-19 khiến lượng hành khách đi tàu sụt giảm. Kế đến, lũ lụt miền Trung làm gián đoạn vận tải hàng trăm chuyến tàu. Doanh nghiệp này cho biết nếu 2021 diễn biến COVID-19 vẫn như năm 2020 thì sang năm 2022, công ty vận tải đường sắt sẽ mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu của tổng công ty tại hai Công ty cổ phần vận tải Hà Nội và Sài Gòn

Trong khi đó, trái ngược với kết quả kinh doanh của HAGL Agrico thoát lỗ nhờ chuyển nhượng vốn tại công ty con, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) lại báo lỗ sau thuế 2.175 tỷ đồng năm 2020, kéo lỗ luỹ kế đến hết năm 2020 lên tới 5.086 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp bị lỗ 'đè' năm COVID-19 - Ảnh 3.

Một chung cư của Hoàng Anh Gia Lai tại quận 7, TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Riêng trong quý IV, việc kinh doanh dưới giá vốn bên cạnh các chi phí lãi vay, quản lý doanh nghiệp đã ăn mòn hết lợi nhuận, khiến HAGL lỗ sau thuế 1.526 tỷ đồng dù doanh thu tăng gấp rưỡi lên 914 tỷ. 

HAGL giải trình đã tiến hành hồi tố báo cáo tài chính hợp nhất cho năm 2020 bằng việc trích lập dự phòng liên quan tới các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng giúp báo cáo tài chính năm 2020 của tập đoàn sẽ không tiếp tục bị ý kiến ngoại trừ.

Những doanh nghiệp bị lỗ 'đè' năm COVID-19 - Ảnh 4.

Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL.

Ở diễn biến khác, hai doanh nghiệp trong ngành xây dựng cũng không thể trụ vững trong năm 2020 là CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG)CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group - Mã: CEO).

Kết quả kinh doanh trong năm 2020 của Đất Xanh cho thấy doanh thu thuần đạt gần 2.891 tỷ đồng, con số này giảm 50% so với năm 2019. Và tương tự như quý IV, các chi phí của doanh nghiệp đều tăng mạnh trong năm, đồng thời, thời gian ghi nhận dự án Gem Sky World Long Thành chậm hơn dự kiến đã khiến doanh nghiệp lỗ ròng 126 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi 1.886 tỷ đồng sau thuế.

Với CEO Group, tiếp tục là ảnh hưởng của dịch COVID-19, kéo doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm. Lũy kế cả năm 2020, CEO Group lỗ hơn 103 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 608 tỷ đồng. Hết năm, doanh nghiệp chỉ tạo ra gần 1.324 tỷ đồng doanh thu, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 4.550 tỷ đồng.

Trong ngành vận tải biển, một ông lớn trong là CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) vốn đã lỗ chồng lỗ những năm trước thì nay lại chịu thêm cảnh đại dịch. Cả năm 2020, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 187 tỷ đồng, nâng tổng mức lỗ lũy kế từ trước đến nay lên hơn 921 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác CTCP Vận tải Biển Bắc (Mã: NOS) cũng đã thấm đòn vì COVID khiến kinh doanh dưới giá vốn. Doanh nghiệp này cả năm báo lỗ sau thuế gần 225 tỷ đồng, nâng mức lỗ luỹ kế lên tới 4.399 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) lỗ nặng hơn trong quý IV đã "nhấn chìm" doanh nghiệp này lỗ lũy kế cả năm 2020 hơn 921 tỷ đồng, gấp hơn 100 lần so với mức lỗ năm 2019. Đây là khoản lỗ nặng nhất của công ty kể từ khi hoạt động.

Theo giải trình, chi phí tài chính trong riêng quý IV đã tăng hơn 424 tỷ đồng do chuyển nhượng thoái vốn một số lĩnh vực kém hiệu quả và trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại các công ty con tăng. Ngoài ra, chi phí quản lý tăng hơn 200 tỷ đồng đã khiến doanh nghiệp "ngập" lỗ năm 2020.

Tác động kép từ COVID-19 và giá dầu giảm sâu khiến doanh nghiệp dầu khí lao đao

"Cú đấm bồi" trực tiếp từ đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm đã khiến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dầu khí trải qua thời kỳ khủng hoảng với kết quả kinh doanh sa sút.

Hai doanh nghiệp không thể trụ vững trong năm là CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL - Mã: OIL).

Với BSR, dù ghi nhận kết quả lợi nhuận quý IV/2020 1.258 tỷ đồng, nhưng cũng chưa đủ giúp BSR có kết quả lợi nhuận dương cả năm, do ảnh hưởng nặng nề từ kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Cả năm 2020, công ty này lỗ 2.848 tỷ đồng sau thuế, trong khi năm trước đó lãi 2.873 tỷ đồng, mức lỗ lịch sử từ trước đến nay. 

Tuy nhiên, sang năm 2021, BSR đặt mục tiêu hồi phục với lãi ròng 870 tỷ đồng hợp nhất, chỉ cao hơn kết quả đạt được năm 2018, cùng với kỳ vọng giá dầu duy trì xu hướng hồi phục nhanh như những tháng qua.

Cùng chung số phận, PVOIL ghi nhận doanh thu thuần năm 2020 giảm 37% xuống 50.010 tỷ đồng do tác động của giá dầu thế giới; lỗ ròng 177 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi 325 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 là 899 tỷ đồng.

Ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với cạnh tranh từ các hãng xe công nghệ đã khiến CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, Mã: VNS) lỗ 211 tỷ đồng sau thuế năm 2020, mức lỗ đậm nhất kể từ khi thành lập, trong khi năm liền trước doanh nghiệp báo lãi 109 tỷ đồng. 

Luỹ kế năm 2020, Vinasun đạt 1.006 tỷ đồng doanh thu, giảm 49% so với năm 2019. Công ty đồng thời cũng đã cắt giảm 1.392 nhân viên trong năm COVID-19.

Với CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel - Mã: VTR), dù đã có lãi trở lại trong quý III/2020 nhưng hoạt động trong ba tháng cuối năm của doanh nghiệp vận tải này lại đi xuống khi lỗ hơn 16,3 tỷ đồng.

Cả năm 2020, từ hoạt động kinh doanh có lãi 40 tỷ đồng năm 2019, Vietravel đã chuyển sang trạng thái lỗ ròng gần 90 tỷ đồng.

Trong mảng cao su, CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam (Mã: VHG) kinh doanh bết bát trong suốt năm 2020 với 4 quý liên tiếp không ghi nhận doanh thu.

Dù vậy, công ty vẫn ghi nhận chi phí hoạt động. Song song đó, công ty còn ghi nhận khoản lỗ 21 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết. 

Cả năm 2020, công ty lỗ hơn 78 tỷ đồng, gấp ba lần số lỗ ghi nhận trong năm 2019. Đồng thời mức lỗ này cũng đã khiến lỗ lũy kế của công ty tính đến hết năm 2020 lên đến 1.344 tỷ đồng.

chọn
D2D lội ngược dòng trong quý IV nhờ dự án Lộc An, vượt 98% mục tiêu lãi 2024
9 tháng đầu năm 2024, D2D lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quý IV, nhờ phát sinh doanh thu tại khu dân cư Lộc An và KCN Châu Đức, D2D lãi 91 tỷ đồng và vượt 98% kế hoạch lợi nhuận cả năm.