Nội các của ông Biden cho biết sẽ duy trì chủ trương chống Trung Quốc của ông Trump

Các quan chức trong nội các tương lai của Tổng thống đắc cử Joe Biden báo hiệu rằng chính quyền mới sẽ tiếp tục áp dụng một số chính sách kinh tế cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc.

Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ chống lại hành vi thương mại "lạm dụng" của Trung Quốc cũng như cấm các sản phẩm từ khu tự trị Tân Cương, khu vực mà tộc người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang sinh sống.

Trong phiên điều trần xác nhận trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, bà Janet Yellen - ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Mỹ "sẵn sàng sử dụng toàn bộ công cụ chính sách" để xử lý các hành vi của Trung Quốc như "bán phá giá sản phẩm, dựng hàng rào thương mại và trợ cấp bất hợp pháp cho các tập đoàn".

Nội các của ông Biden báo hiệu duy trì di sản chống Trung Quốc của ông Trump - Ảnh 1.

Bà Janet Yellen, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang là ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính dưới thời ông Biden. (Ảnh: AP).

Ông Antony Blinken, người được đề cử cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ, cho hay ông đồng quan điểm với một số chính sách Trung Quốc của chính quyền ông Trump.

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Blinken nói: "Theo quan điểm cá nhân, tôi hoan nghênh một số chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump. Tôi tin Tổng thống Trump đã đúng khi thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tôi không đồng ý một số hướng giải quyết của ông Trump, song nguyên tắc cơ bản là đúng và tôi cho là điều đó rất có ích cho chính sách đối ngoại của chính quyền mới".

Cùng ngày 19/1, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa Mỹ thành quốc gia đầu tiên tuyên bố chính sách của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ tại đặc khu tự trị Tân Cương là "tội ác diệt chủng".

Khi được hỏi liệu bản thân có đồng quan điểm với cáo buộc "diệt chủng" của ông Pompeo hay không, ông Blinken cho hay: "Đó cũng là đánh giá của tôi!". Ông Blinken đề xuất, Mỹ nên cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất tại Tân Cương và cấm xuất khẩu hàng cho các công ty vi phạm quyền lợi của người dân tại khu tự trị này.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự đoán là còn nhiều căng thẳng dưới thời ông Biden vì lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đều mong muốn trừng phạt Trung Quốc vì trộm cắp tài sản trí tuệ và các hành vi thương mại không công bằng khác.

Chia sẻ với tờ New York Times vào tháng trước, ông Biden cho hay chính quyền mới sẽ không ngay lập tức loại bỏ thuế quan trừng phạt mà ông Trump áp lên 350 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.

Bà Yellen cho biết Mỹ sẽ hợp tác cùng "các đồng minh thay vì đơn phương" giải quyết các vấn đề với Trung Quốc. Theo Bloomberg, bình luận của bà Yellen có thể hàm ý chỉ thuế quan mà chính quyền ông Trump đơn phương áp đặt cho Trung Quốc.

"Rõ ràng, Trung Quốc là đối thủ chiến lược số một của nước Mỹ", bà Yellen nhấn mạnh. Theo ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính, Mỹ nên tìm cách củng cố nền kinh tế bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như nghiên cứu và phát triển các dự án mới, như các chính sách mà ông Biden sẽ sớm đề xuất.

Bà Avril Haines, người được ông Biden đề cử làm Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, cũng có lưu ý tương tự trong ngày 19/1.

Trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà Haines cho hay bà muốn sử dụng lực lượng tình báo để hỗ trợ tốt hơn cho các nỗ lực chống lại "hành vi không công bằng, bất hợp pháp, hung hăng và cưỡng ép cũng như các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc".

Chính sách trừng phạt

Chính quyền ông Trump đưa ra các mức thuế quan nhằm trừng phạt Trung Quốc vì hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, dù Trung Quốc liên tục bác bỏ cáo buộc này. Ông Trump còn dựa dẫm nhiều vào chính sách cấm cận của Bộ Tài chính Mỹ để trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến chiến lược của Bắc Kinh tại Hong Kong.

Bà Yellen nói rằng các biện pháp trừng phạt trên nhìn chung vẫn sẽ là công cụ quan trọng của Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, bà không đề cập chi tiết đến chiến lược triển khai các mức thuế quan trừng phạt Trung Quốc của chính quyền ông Biden.

Bộ Tài chính của bà Yellen cũng sẽ cân nhắc phương án đang dang dở là có nên cấm vận các công ty công nghệ Trung Quốc hay không. TikTok là ứng dụng Trung Quốc nổi tiếng nhất bị chính quyền ông Trump đưa vào tầm ngắm trong năm ngoái. Khi đó, Washington yêu cầu ứng dụng này cắt đứt quan hệ với công ty mẹ ByteDance vì lý do an ninh quốc gia Mỹ.

Trong những tuần cuối nhiệm kỳ, ông Trump đã áp lệnh hạn chế đầu tư đối với nhiều công ty Trung Quốc được cho là đang hỗ trợ cho hoạt động quân sự của Trung Quốc. Chính quyền ông Biden sẽ quyết định xem có nên thay đổi các chính sách này hay tiếp tục con đường cứng rắn mà ông Trump mở ra.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.