Nỗi niềm cô giáo mầm non (P2): Áp lực, giáo viên bỏ nghề đi bán cơm | |
Nỗi niềm cô giáo mầm non (P1): Xoay như chong chóng! |
Khi được quan tâm, chất lượng cuộc sống tăng lên, giáo viên sẽ gắn bó với nghề hơn. |
Chất lượng đời sống tăng, giáo viên sẽ gắn bó với nghề
Chia sẻ về tình trạng thiếu giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Tâm, Hiệu phó trường Mầm non 25B (Q. Bình Thạnh) cho biết nhà trường hầu như năm nào cũng thiếu giáo viên và luôn đợi quận bổ sung.
“Cũng là nghề dạy học nhưng hiếm ai như giáo viên mầm non - vừa đóng vai làm cô, làm mẹ, làm bạn, làm bác sĩ, họa sĩ, nhà tâm lý học.... Một giáo viên mầm non phải trang bị cho mình đủ vai trò, không đơn giản như những cấp học khác”, cô Tâm nhận định.
Theo cô Tâm, chế độ cho giáo viên mầm non những năm gần đây đã được cải thiện và quan tâm hơn nhưng vẫn chưa để giáo viên gắn bó với nghề hay thu hút các bạn trẻ vào nghề.
Cô Tâm cũng lý giải những khó khăn giáo viên gặp phải từ phía phụ huynh xuất phát từ việc các thành phố lớn hiện nay, mỗi gia đình thường chỉ 1 đến 2 con nên điều kiện nuôi dưỡng tốt hơn. Chính vì vậy, phụ huynh đặt yêu cầu ở giáo viên cao hơn, đòi hỏi nhiều ở giáo viên, không đồng cảm và thiếu sẻ chia với các cô.
Mặt khác, lý giải về việc không nhiều giáo viên trẻ theo nghề, theo cô Tâm, đội ngũ giáo viên trẻ sức chịu đựng không nhiều như giáo viên ngày xưa. Những cơ hội cho các giáo viên trẻ ngày nay cũng nhiều hơn nên nhiều cô giáo bỏ nhiệm sở để chọn môi trường tốt hơn.
Đứng ở góc độ người quản lý, cô Tâm cũng bày tỏ mong muốn: “Tôi hy vọng xã hội có sự quan tâm, chia sẻ với giáo viên mầm non về chế độ lương bổng cũng như đầu tư cơ sở vật chất. Với những trường úng ngập, mong là giáo viên sẽ được tạo điều kiện để gắn bó với nghề. Thêm nữa, tôi rất mong các trường có thêm nhân viên nuôi dưỡng để làm các công việc khác như vệ sinh, lau chùi, giảm áp lực công việc cho giáo viên. Khi chất lượng đời sống tăng lên, giáo viên sẽ gắn bó với nghề hơn".
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Trong kỳ họp HĐND vừa qua, đại diện ngành giáo dục thành phố, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết ngành đã rất tích cực trong việc hướng nghiệp, đưa nữ sinh trung học xuống tận các trường mầm non để các em tìm hiểu về ngành nghề. Thực tế cho thấy số học sinh chọn theo nghề giáo viên mầm non rất ít, thành phố vẫn không đủ nguồn để tuyển dụng.
Nguyên nhân được ông Sơn đề cập liên quan đến hệ số tiền lương, thời gian làm việc kéo dài, giáo viên mầm non phải làm những công việc vệ sinh ngoài chuyên môn… chưa được tháo gỡ.
Để giáo viên gắn bó lâu dài với nghề rất cần sự chung tay từ nhiều phía. |
Trước các báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, Sở GD-ĐT TP và những ý kiến tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho biết không phải mong muốn nào của thành phố cũng thực hiện được do vướng các quy định của bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên, TP HCM sẽ nghiên cứu các chính sách hỗ trợ để thu hút học sinh theo học ngành sư phạm mầm non.
TP HCM cũng sẽ xây dựng lộ trình cho việc tuyển dụng nhân sự ngành này, không để xảy ra tình trạng trường mầm non xây xong nhưng phải chờ giáo viên. Đặc biệt, TP HCM sẽ tính đến việc tuyển dụng giáo viên mầm non mà không yêu cầu hộ khẩu thành phố để có thêm nhiều ứng viên hơn.
Đứng ở góc độ giáo viên, cô Phan Ngọc – giáo viên mầm non sắp sửa về hưu cũng chia sẻ: “Gắn bó với nghề hơn 25 năm nay, khối lượng công việc và áp lực ngày một nhiều nhưng điều nuôi dưỡng tôi chính là cảm xúc vui vẻ, trẻ trung khi ở bên các bé. Mỗi lần gặp các bé, nghe chúng nói chuyện tôi lại cảm thấy yêu và muốn gắn bó với nghề hơn”.
Nhiều đồng nghiệp trẻ luôn gọi cô là “lão làng kỳ cựu”, tấm gương gắn bó với nghề lâu năm, nhiều kinh nghiệm. Phụ huynh cũng đùa gặp cô là thấy cô luôn cười, tươi trẻ như các bé. “Thực ra vì nhiều năm trong nghề nên tôi quen với những áp lực chứ không phải không có. Những niềm vui bên trẻ là món quà đem đến sự trẻ trung, lạc quan cho giáo viên chúng tôi”, cô nói.
Cô Ngọc cũng không quên gửi lời nhắn nhủ: “Để gắn bó với nghề, tôi nghĩ giáo viên cần kiên nhẫn, yêu trẻ, có cái tâm bởi trẻ con như giấy trắng, cô sẽ cùng trẻ viết nên những điều đẹp đẽ. Yếu tố kinh tế luôn là gánh nặng với giáo viên nhưng tôi muốn nói với giáo viên trẻ: chỉ cần tận tâm, gắn bó với nghề, nghề sẽ không phụ ta đâu”.
Cô Ngọc cũng bày tỏ mong muốn từ phía phụ huynh nên thông cảm cho giáo viên, phối hợp cùng giáo viên để giảm bớt áp lực cho cả cô và trẻ.