Nóng cuộc đua đầu tư điện khí LNG vào Việt Nam: Vốn hàng tỉ USD từ nhiều tập đoàn 'sừng sỏ'

Khoảng 3 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều tập đoàn trong và ngoài nước muốn tham gia vào cuộc đua đầu tư điện khí LNG ở Việt Nam.

Hàng tỉ USD đầu tư điện khí

Theo Vietnamnet, tính toán sơ bộ đến nay có hàng chục tỉ USD dự kiến đầu tư vào điện khí. Trong bối cảnh qui hoạch điện 8 đang được xây dựng không bổ sung mới các dự án nhiệt điện than, điện khí đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tỉ trọng nhiệt điện khí trong dự thảo Qui hoạch điện 8 cũng tăng rất mạnh.

Việt Nam đã khai thác gần như tối đa các nguồn thủy điện và than. (Ảnh: V.T/Báo Đầu tư).

Việt Nam đã khai thác gần như tối đa các nguồn thủy điện và than. (Ảnh: V.T/Báo Đầu tư).

Trong đó, tiến độ các dự án điện khí “chắc chắn xây dựng”, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2020 - 2025 có 9 nhà máy, với tổng công suất gần 6.500 MW, hầu hết do EVN và PVN làm chủ đầu tư. 

Đó là dự án Dung Quất I, II, III; nhiệt điện khí miền Trung I, II; nhiệt điện khí Quảng Trị; nhiệt điện khí Ô Môn II, III, IV.

Các dự án nhiệt điện khí ở dạng có “tiềm năng xây dựng”, có tổng công suất lên tới hơn 108 nghìn MW, trải dài từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, cho đến các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ. 

Hai khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ tập trung nhiều nhà máy nhất.

Cuộc đua ngày càng "nóng"

Cuộc đua đầu tư điện khí chỉ mới bắt đầu nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng, bởi ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tham gia vào.

Thông tin từ Thanh niên, ngày 22/11, nhà đầu tư Mỹ GE "rót" một tỉ USD vào nhiệt điện khí Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là dự án nhiệt điện khí thứ 4 liên tiếp của Việt Nam có nhà đầu tư Mỹ tham gia. Dự án sẽ cung cấp 1.500 MW điện sạch và đáng tin cậy cho Việt Nam, tăng cường an ninh năng lượng của và hỗ trợ nước ta phát triển kinh tế.

Trước đó, tại Bạc Liêu, một dự án điện khí qui mô 3.200 MW, với tổng vốn đầu tư 4,3 tỉ USD từ Tập đoàn Energy Capital (Mỹ). Đến thời điểm hiện nay, đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo báo Đầu tư cho biết.

Năm 2019, Tập đoàn Gulf (Thái Lan) đã tới Ninh Thuận để đề xuất đầu tư Kho cảng LNG và Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná, với qui mô 6.000 MW, gồm 4 nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp. Dự án có vốn đầu tư lên tới 7,8 tỉ USD.

Dòng đầu tư điện khí không chỉ tập trung ở phía Nam, mà còn trải dọc ở vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung.

Tại Hải Phòng xuất hiện hai dự án Nhà máy điện khí LNG do Tập đoàn Exxon Mobil đề xuất đầu tư tại huyện Tiên Lãng và huyện Cát Hải có tổng vốn gần 7 tỉ USD, tổng công suất hơn 6.000 MW. 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế chuẩn bị khởi công nhà máy với tổng công suất thiết kế 4.000 MW, trị giá 6 tỉ USD dự kiến được đặt tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Dự án có vốn sở hữu 60% của Mỹ và 40% của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, dự tính hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỉ kWh.

Báo Đấu Thầu thông tin theo Qui hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000-19.000 MW; đồng thời cơ sở vật chất phải tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1 đến 4 tỉ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025, tăng lên 6 đến 10 tỉ m3/năm cho giai đoạn 2026-2035.

Trong số đó, phần lớn lượng LNG nhập khẩu sẽ sử dụng để sản xuất điện, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là một cơ hội lớn cho việc sử dụng LNG tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công thương đã và đang tính toán để đưa qui hoạch nhiệt điện sử dụng LNG thay thế các dự án nhiệt điện chạy than trong Tổng sơ đồ điện VII. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc thuộc về nguồn nguyên liệu LNG và giá mua - bán điện khí có đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư hay không.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.