Là một cây đa, cây đề trong làng phim tài liệu Việt Nam, phim của đạo diễn Trần Văn Thủy không chỉ phản ánh cuộc sống xã hội thời bao cấp mà còn gây được tiếng vang lớn trong làng điện ảnh trong và ngoài nước, đặc biệt với tác phẩm "Chuyện tử tế" được báo chí quốc tế ví như "Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig".
Nói về lý do chọn nhan đề "Chuyện tử tế" để làm bộ phim tài liệu của mình lúc bấy giờ, đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ: "Đề tài chuyện tử tế không phải riêng của người Việt Nam, mà của cả nhân loại. Bộ phim "Chuyện tử tế" nói về đạo đức của người bình dân, bởi trong xã hội "khốn nạn" lúc ấy thì chẳng có vị anh minh nào có thể điều hành được dân tộc đó. Tôi không dám nói đó là bộ phim hay mà chỉ là radio phim, nó không có những cú chơi điện ảnh, nó không có tính chất cinema, bộ phim nói đúng những mong muốn của người đời, nói đúng những điều khát khao của xã hội cần".
Bộ phim "Chuyện tử tế" khắc họa hình ảnh những người dân nghèo khổ trong xã hội thời bao cấp (Ảnh: Youtube) |
Trả lời câu hỏi "Thế nào là sự tử tế?" NSND Trần Văn Thủy cho biết: "Tôi luôn bị ám ảnh bởi một câu nói của Trịnh Công Sơn rằng "Cuộc gặp nào, cái bắt tay thân ái nào cũng có thể là cái bắt tay sau cùng", nhất là khi tôi đã có tuổi, câu nói đó càng khiến tôi cảm thấy chán đời, nhưng nó lại thúc đẩy tôi đến kỳ lạ, giúp tôi nhận ra rằng con người đối xử với nhau làm sao để khi chia tay nhau, khi không gặp lại nhau nữa thì vẫn luôn để lại những điều tốt đẹp trong lòng nhau".
Đạo diễn Trần Văn Thủy cho biết, ông vào nghề từ năm 1965 ở chiến trường miền Nam Việt Nam, cầm máy quay phim đi qua bao nhiêu chiến trường, "Cho đến bây giờ, đã rất nhiều năm trôi qua, rất nhiều các bộ phim tài liệu được thực hiện nhưng tôi vẫn là người cô đơn, người đồng hành trên con đường, trên chính khuynh hướng làm phim ấy".
"Những người đồng niên, đồng nghiệp của tôi hầu như không làm việc được nữa hoặc đã qua đời. Do đó, tôi luôn mong muốn có một thế hệ làm phim tài liệu, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là có những người sống chết vì phim tài liệu", đạo diễn Trần Văn Thủy nói.
Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy mong muốn có một thế hệ làm phim tài liệu, hiểu và sống chết vì phim tài liệu. (Ảnh: Thanh CT) |
Theo quan điểm của nghệ sĩ, một tác phẩm gây chấn động, thậm chí trở thành kiệt tác nhất định phải đụng chạm tới thân phận con người. Ông cho rằng, việc làm phim tài liệu ở Việt Nam rất phát triển, vì không có một xứ sở nào ở trên thế giới nhiều đề tài hay như ở Việt Nam.
"Có thể cuộc sống của chúng ta còn nhiều khó khăn, nghèo làn về vật chất nhưng những đề tài về con người, những câu chuyện đụng đến lương tâm, đến tình cảm và niềm vui con người Việt Nam thì không ở đâu bằng"..."Tôi xót xa khi không thấy một đất nước nào mà từ Bắc chí Nam la liệt mồ mả như thế, đánh nhau với Pháp, với Mỹ, với Nhật rồi với Tàu mà nghĩa trang nào cũng hàng nghìn, hàng vạn con người", đạo diễn phim "Phản bội" cho hay.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm phim, nghệ sĩ Trần Văn Thủy cũng cho biết: "Nếu ai đã đọc cuốn "Chuyện đời của Thủy", các bạn sẽ thấy tôi may mắn thoát chết như thế nào, hai bàn tay tôi chôn không biết bao nhiêu người, tất cả những người giúp đỡ cho tôi, chỉ đường mách nước, tìm đề tài cho tôi đều đã chết hết. Hơn nữa, thế hệ chúng tôi quay phim bằng phim nhựa 35mm, muốn sửa chữa rất khó, không như bây giờ có thể cắt ghép, chỉnh sửa, bởi thế hầu hết phim tài liệu Việt Nam đều không thật cả về nội dung, ý tưởng"
Nói về thành công ngoài sức tưởng tượng của "Chuyện tử tế": "Tôi không nghĩ "Chuyện tử tế" lại là bộ phim gây chấn động như vậy, bởi tôi cũng chưa bao giờ nghĩ phải đi xin Năm ngàn đồng mua xăng để đi quay phim... Tôi làm tất cả vì tôi thích làm phim tài liệu", đạo diễn "Hà Nội trong mắt ai" chia sẻ.
NSND Trần Văn Thủy cũng tiết lộ thêm, ông đã từng làm những bộ phim mà cho đến hiện tại vẫn chưa thể công chiếu. Nhưng trong tháng 11 này, ông sẽ cho ra mắt hai cuốn sách, một cuốn bằng tiếng anh ở Boston và cuốn "Trong đống tro tàn" được in ở Mỹ.