Trong những ngày Tết Mậu Tuất, đặc biệt là đêm giao thừa, tiếng pháo râm ran tại nhiều tỉnh, thành phố.
"Căng sức" để ngăn chặn
Tại TP Hải Phòng, từ đêm giao thừa đến mùng 1 Tết, xác pháo đỏ rực ở một số tuyến đường như Trần Nhân Tông, Trần Tất Văn và đường vào Nhà máy Nước Cầu Nguyệt (quận Kiến An) cũng như các ngõ xóm, đường làng thuộc các huyện Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Quý, Chủ tịch UBND quận Kiến An, thừa nhận có xảy ra tình trạng đốt pháo trên địa bàn. "Tôi đã giao công an xác minh, kiểm tra xử lý chỗ đốt pháo tại đường Trần Nhân Tông, các trường hợp khác thuộc địa bàn huyện An Lão" - ông Quý cho hay.
Lãnh đạo công an ở một huyện của TP Hải Phòng thừa nhận mặc dù lực lượng công an cùng chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể đã "căng sức" để ngăn chặn tình trạng đốt pháo nhưng pháo vẫn nổ trong ngày Tết.
Tang vật và các đối tượng do lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện trong một vụ vận chuyển pháo lậu Ảnh: Cao Nguyên. |
Trước đó, ngày 14-2 (tức 29 Tết), em Nguyễn Đức Th. (SN 2005; ngụ xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy), học sinh lớp 7 Trường THCS Thuận Thiên, bị thương phải nhập viện cấp cứu do pháo tự chế.
Theo người thân của em Th., em cùng một số bạn bè được một thanh niên thuê mua diêm về cạo phần bột diêm để quấn làm pháo nổ với giá 10.000 đồng/quả. Trong lúc quấn, pháo phát nổ, Th. bị dập nát các ngón tay, mất hết tổ chức gân với phần mềm.
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, trong 5 ngày, từ 30 tháng chạp đến mùng 4 Tết, toàn tỉnh không xảy ra đốt pháo trái phép. Thực tế, tiếng pháo vẫn râm ran trên địa bàn tỉnh này. Điển hình, tại một số tuyến phố thuộc phường Yên Thanh (TP Uông Bí), xác pháo đỏ đường vào đêm giao thừa. Ngoài xác pháo nổ, dân nơi đây còn đốt pháo thăng thiên, pháo hoa (do Trung Quốc sản xuất) sáng một góc trời.
Tại tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày cận Tết, lực lượng CSGT, cảnh sát hình sự liên tục bắt hàng loạt vụ vận chuyển, mua bán pháo. Chỉ riêng Trạm CSGT Krông Búk (Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk) đã bắt hàng chục vụ.
Theo một lãnh đạo Trạm CSGT Krông Búk, pháo lậu được vận chuyển không chỉ bằng xe khách mà cả xe con, taxi gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Pháo chủ yếu được các đối tượng mua từ cửa khẩu ở Kon Tum và các tỉnh phía Bắc.
Bắn công khai
Tại khu vực bến xe phía Bắc tỉnh Đắk Lắk, trước và sau khi đón giao thừa, pháo hoa được người dân bắn công khai tại các trục đường. Trong khoảnh khắc giao thừa, bầu trời nơi đây rực sáng tứ phía.
Tại các huyện của tỉnh Đắk Lắk, tình trạng sử dụng pháo hoa trái phép cũng diễn ra phổ biến. Theo một người dân ở huyện Krông Pắk, trên địa bàn có rất nhiều người mua pháo về vừa sử dụng vừa bán kiếm lời. Những ngày trước Tết, giá 1 lốc (49 cây) pháo hoa 7 màu khoảng 1,1 triệu đồng.
Càng gần giao thừa, giá tăng lên từ 1,4-1,6 triệu đồng/lốc. "Những ngày trước Tết có thấy công an đi kiểm tra, xử phạt buôn bán, sử dụng pháo. Tuy nhiên, đêm giao thừa, đâu đâu cũng bắn pháo, ai mà đi xử lý hết" - người này cho biết thêm.
Tại tỉnh Kon Tum, tình trạng đốt pháo diễn ra ở nhiều nơi. Nhất là đêm giao thừa, người dân nhiều nơi cùng bắn pháo hoa. Tại huyện Ngọc Hồi, rất nhiều nhà dân thôn 6 và 7, thị trấn Pleikần tổ chức bắn pháo hoa. Thậm chí, nhiều người còn quay cảnh đốt pháo hoa để đưa lên mạng xã hội.
Bà V.T.N (trú thị trấn Pleikần) cho biết những năm trước, nhiều gia đình ở đây đã mua pháo về đốt đón Xuân. "Những năm trước, chỉ một vài nhà đốt. Năm nay, chính quyền không bắn pháo hoa nhưng đêm giao thừa nhiều nhà cùng bắn, tiếng nổ rung trời, còn khí thế hơn cả xem pháo hoa do chính quyền tổ chức" - bà N. kể lại.
Tại thị trấn Pleikần, giá pháo trên thị trường khá rẻ so với nơi khác nên nhiều đầu nậu mua ở đây mang sang các địa phương khác bán. Loại được mua nhiều nhất là pháo hoa 36 quả, giá từ 350.000-700.000 đồng.
Thực tế, công an đã liên tục bắt giữ những vụ vận chuyển pháo từ huyện Ngọc Hồi đi các địa phương khác. Cụ thể, ngày 15-12-2017, Công an tỉnh Kon Tum bắt giữ xe taxi chở 6 bao (khoảng 300 kg) pháo lậu. Tài xế Vũ Mạnh Trịnh (ngụ tỉnh Gia Lai) khai chở thuê từ huyện Ngọc Hồi về Pleiku tiêu thụ. Ngày 3-1, Công an tỉnh Kon Tum phát hiện xe khách do tài xế Đặng Đức Cường điều khiển, chở 16 hộp pháo với tổng trọng lượng hơn 20 kg.
Tối 22-1, tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Bộ đội Biên phòng bắt quả tang Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Hữu Danh (cùng ngụ tỉnh Bình Định) và Nguyễn Văn Quyết (ngụ tỉnh Quảng Bình) đang vận chuyển 2 bao tải pháo.
Tại huyện Đắk Hà, ngày 19-1, Công an tỉnh Kon Tum bắt quả tang Phạm Văn Tuyên (ngụ huyện Đắk Hà) bán trái phép 5 bịch pháo nổ. Tuyên khai mua pháo của Đỗ Văn Trãi (trú cùng địa phương) để bán kiếm lời. Khám nhà Trãi, công an thu thêm 6 hộp pháo nổ và 10 hộp pháo hoa.
Hà Tĩnh: Bắt nhiều đối tượng đốt pháo trái phép Tại tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng đốt pháo trái phép trong dịp Tết Mậu Tuất diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là trong đêm giao thừa. Công an huyện Lộc Hà đã bắt 26 đối tượng đốt pháo trái phép. Cùng thời gian, Công an thị xã Kỳ Anh bắt, tạm giữ hành chính 58 đối tượng có hành vi tàng trữ, đốt pháo nổ; Công an huyện Can Lộc bắt 7 đối tượng đốt pháo. Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, trong 6 ngày cao điểm Tết, lực lượng phát hiện 146 vụ với 151 đối tượng đốt pháo trái phép. Tại Nghệ An đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do đốt pháo. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An đã tiếp nhận cấp cứu 5-6 trường hợp bị thương do đốt pháo. Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng tiếp nhận 2 em nhỏ bị dập nát tay do bị pháo nổ. Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã phát hiện 418 vụ, 505 đối tượng, thu gần 5 tấn pháo. H.Vũ |
Nạn nhân của pháo tăng gấp rưỡi trong 3 ngày xuân
190 người bị thương do pháo nổ phải vào viện cấp cứu, tăng hơn 54% so với Tết năm ngoái. |