Ngay từ cuối năm ngoái, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 (liên doanh giữa tập đoàn Sơn Kim và tập đoàn GS ở Hàn Quốc) đã có kế hoạch chuyển đổi số trong năm 2020. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi đẩy tiến độ chuyển đổi số, đồng thời yêu cầu nhân viên thao tác thành thạo phần mềm làm việc mới trong hai tuần, thay vì 6 tháng như kế hoạch ban đầu.
Với kết quả tích cực ban đầu, GS25 quyết định triển khai giải pháp công nghệ tới hàng trăm cửa hàng bán lẻ của chuỗi để tận dụng sớm dữ liệu người dùng.
Ông Trần Viết Huân, giám đốc công nghệ tập đoàn Sơn Kim, nói với VTV rằng những giải pháp công nghệ số giúp hoạt động quản lí khách hàng, quản lí dữ liệu xuyên suốt trên toàn hệ thống.
"Công nghệ cũng tạo ra kết quả phân tích kinh doanh theo thời gian thực để chúng tôi ra những quyết định kịp thời. Yếu tố này rất hữu ích trong khủng hoảng Covid-19, do hành vi của khách hàng thay đổi rất nhanh", ông Huân nói thêm.
Ở một quán cà phê mang tên Café An Nhiên ở Hà Nội, khách hàng có thể truy cập ứng dụng Utop để xem và chọn sản phẩm, rồi thanh toán luôn trên ứng dụng. Vài phút sau, nhân viên bưng đồ uống, món ăn tới bàn cho khách. Nhiều người thích hình thức gọi đồ uống như vậy, vì họ không phải xếp hàng, và cũng có cơ hội hưởng ưu đãi của quán.
Đinh Thị Kim Nhiên, chủ quán Café An Nhiên, kể rằng chị quyết định sử dụng phần mềm để tăng mức độ tiện lợi và làm phong phú trải nghiệm của khách hàng khi đến quán. Ứng dụng thường xuyên cập nhật những ưu đãi để quán gây dựng một lượng khách hàng trung thành.
Công ty TNHH Minh Trung cũng chủ động xuất khẩu đồ nội thất qua các nền tảng thương mại điện tử từ đầu năm. Ông Nguyễn Đắc Minh, tổng giám đốc công ty, nhận định rằng phương thức xuất khẩu trực tuyến giúp giảm rất nhiều chi phí, thời gian để nhân sự của ông tập trung vào các hoạt động cần thiết khác như làm thủ tục thông quan hàng hóa.
"Mặc dù Covid-19 là một khủng hoảng, nó cũng tạo ra cơ hội để chúng ta nhìn lại mô hình kinh doanh và thay đổi", ông Minh bình luận.
Bán hàng trực tuyến cũng là một hình thức chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp trong khủng hoảng Covid-19. Sàn thương mại điện tử Lazada chứng kiến số lượng người bán hàng tiêu dùng trong đợt dịch tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó.
Khi người tiêu dùng trong nước tiết kiệm chi tiêu vì ảnh hưởng của đại dịch, thương mại điện tử là cầu nối để doanh nghiệp tìm khách hàng ở nước ngoài.
Ông James Dong, giám đốc Lazada Việt Nam, xác nhận rằng nhiều sản phẩm tiêu dùng Việt Nam như cà phê, mì ăn liền, hạt đã tiếp cận thành công thị trường quốc tế thông qua thương mại điện tử.
"Thậm chí một doanh nghiệp đã bán hàng trăm nghìn cốc mì ăn liền qua nền tảng Lazada", ông nói.
Các sàn thương mại điện tử cũng chứng kiến sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh trong môi trường số.
Ông Trần Đình Toản, phó giám đốc công ty OSB (đại lí của tập đoàn Alibaba tại Việt Nam), nhận định rằng Covid-19 khiến những doanh nghiệp chưa từng giao dịch qua sàn thương mại điện tử phải lên chợ trực tuyến vì họ không còn lựa chọn nào khác.
"Một số doanh nghiệp tiết lộ rằng đơn hàng của họ trên các sàn thương mại điện tử khá ổn định. Thậm chí đơn hàng trong một số ngành tăng mạnh mẽ", ông Toản nói.
Doanh thu của một số doanh nghiệp tiên phong trong tư vấn chuyển đổi số như FPT, CMC Telecom tăng khá mạnh sau đợt bùng phát Covid-19 thứ nhất. Chẳng hạn, doanh thu dịch vụ điện toán đám mây của CMC Telecom trong tháng 4, 5, 6 tăng 250% so với cùng kì năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng chuyển đổi số của tập đoàn FPT đạt hơn 1.770 tỉ đồng, tăng 65% so với cùng kì năm trước. Anh Lê Hồng Việt, giám đốc công nghệ của FPT, tiết lộ rằng những sản phẩm liên quan tới số hóa qui trình, số hóa dữ liệu là thứ mà khách hàng muốn mua nhiều nhất.
"Nhiều doanh nghiệp muốn mua những công cụ có khả năng hỗ trợ làm việc từ xa, tạo ra workflow (dòng chảy công việc) cho họ", anh Việt kể.
Chủ tịch công ty Utop, ông Trần Đăng Hòa, khẳng định những phần mềm như quán Cafe An Nhiên đang sử dụng là cách để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chuyển đổi số một cách nhẹ nhàng với số vốn nhỏ.
"Họ cũng sẽ không phải chi nhiều tiền để quảng cáo trên các nền tảng phổ biến như Facebook hay Google", ông Hòa nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư kí Hiệp hội Phần mêm và Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) nhận định rằng các giải pháp chuyển đổi số Việt Nam có nhiều ưu điểm so với các giải pháp từ nước ngoài.
"Ngoài mức giá thấp hơn rất nhiều, các giải pháp chuyển đổi số Việt Nam có thể phục vụ khách hàng ngay và luôn, đồng thời hỗ trợ rất kịp thời", bà Giang lập luận.