Do Covid-19, mỗi tháng Việt Nam có hơn 9.000 doanh nghiệp đóng cửa

7 tháng đầu năm, 32.722 doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,5% so với cùng kì. Đây là năm ghi nhận lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất từ 2015 đến nay.

Theo Báo cáo của Cục Quản lí đăng kí kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2020, nước ta có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kì 2019.

Đặc biệt, 9.065 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trung bình mỗi tháng. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và là nguyên nhân chính gây ra sự thay đổi theo chiều hướng xấu này.

Trong số đó có 32.722 doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,5% với cùng kì năm 2019. Đây là một trong những mức tăng cao nhất về số lượng đăng kí tạm ngừng kinh doanh trong các kì 7 tháng giai đoạn 2015-2020.

Cụ thể, đa số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn hầu như hoạt động ngắn dưới 5 năm, tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỉ đồng.

Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kì năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó những ngành có tỉ lệ ngừng kinh doanh cao nhất là: bất động sản (927 doanh nghiệp); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (265 doanh nghiệp). Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.

7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể lần lượt là 21.802 và 8.937 doanh nghiệp, giảm 12,2% và 3.5% so với cùng kì 2019. 

Tương tự như doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, các doanh nghiệp lựa chọn phương án này có thời gian hoạt động ngắn dưới 5 năm, quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng.

Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là bán buôn, bán lẻ, xây dựng, công nghiệp chế biến, chủ yếu hoạt động tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

(Ảnh: Đức Thanh/Báo Đầu tư).

(Ảnh: Đức Thanh/Báo Đầu tư).

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian này, trên cả nước có 26.652 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng kí, tăng 26,8% so với cùng kì năm 2019.

Chiều ngược lại, 7 tháng đầu năm 2020, cả nước có 75.249 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kì năm 2019. Đây là mức giảm về số lượng doanh nghiệp đăng kí thành lập mới nhiều nhất được ghi nhận từ 2015 đến nay. Giai đoạn 2015 - 2019, doanh nghiệp đăng kí thành lập mới đều có tỉ lệ tăng trung bình là 13,7%.

Tổng số vốn đăng kí bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2020 là 2.094.800 tỉ đồng (giảm 15,4% so với cùng kì năm 2019). Vốn đăng kí bình quân của mỗi doanh nghiệp cũng thu hẹp, chưa đến 12,5 tỉ đồng.

Qua báo cáo của Cục Quản lí đăng kí kinh doanh 7 tháng đầu năm 2020 cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch với nền kinh tế Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Chính phủ cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. 

Ngày 29/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong quý II/2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đến hết ngày 31/12/2020. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng miễn giảm lãi suất cho dư nợ hơn 1,14 triệu tỉ đồng.

Nếu dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới tiếp tục được kiểm soát tốt, cùng với những chính sách hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam có thể có những chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm.


chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.