Giải pháp để doanh nghiệp có thể sống sót trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai

Để có thể sống sót trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai, nhiều doanh nghiệp muốn đàm phán với chủ mặt bằng để giảm giá thuê. Đó là việc cần thiết, nhưng không dễ dàng.

Tham gia chương trình Tọa đàm: Bài toán văn phòng thời Covid-19 do VnExpress tổ chức, ông Lê Song Song Ngọc - người đồng sáng lập Cộng đồng Hỗ trợ Doanh nghiệp CSC - nói về những thách thức, nguyện vọng của doanh nghiệp với các chủ mặt bằng văn phòng.

CSC có hàng ngàn thành viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nên họ hiểu rõ tình hình khó khăn mà các chủ doanh nghiệp đang phải đối mặt trong thời kì dịch bệnh.

Báo cáo quí II của CBRE Việt Nam chỉ ra rằng Covid-19 đã thay đổi xu hướng thuê văn phòng của khách thuê. Kết quả khảo sát do VnExpress thực hiện trong tháng 7 cho thấy 44% doanh nghiệp thừa nhận chi phí mặt bằng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tổ chức và đang xem xét tìm các địa điểm văn phòng mới.

Đồng tình với báo cáo của CBRE, ông Ngọc nhận định tác động từ chi phí mặt bằng rất quan trọng đối với quá trình vận hành doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, F&B hay quản trị khách sạn. Trong quí I, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn chưa rõ nét, sau giai đoạn giãn cách xã hội, đã hiện hữu rõ rệt hơn nhiều.

'Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp chọn giải pháp nào cũng vướng thử thách, trở ngại' - Ảnh 1.

Người đồng sáng lập Cộng đồng Hỗ trợ Doanh nghiệp CSC, ông Lê Song Ngọc, tiết lộ mong muốn của doanh nghiệp với chủ cho thuê mặt bằng văn phòng giai đoạn khó khăn hiện tại. (Ảnh: VnExpress).

Đợt bùng phát thứ hai của Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp thêm khó khăn khi chưa kịp hồi phục từ đợt trước. Để có thể sống sót, doanh nghiệp phải giảm tối đa chi phí hoạt động, nên việc đàm phán với chủ mặt bằng là việc cần thiết nhưng không dễ dàng.

Không có phương án hoàn hảo

Ông Ngọc cho hay, giả sử doanh nghiệp đạt được thỏa thuận, chưa chắc mức giảm giá thuê đã phù hợp với mức sụt giảm hoạt động của họ.

Ông nêu ví dụ, nếu doanh thu giảm 50% trong khi nhà đầu tư chỉ chấp nhận giảm 20% giá thuê, doanh nghiệp sẽ phải loay hoay với khoản chênh lệch 30% còn lại. Nếu thỏa thuận đạt được không phù hợp, doanh nghiệp vừa không thể rời đi, vừa phải chịu khoản chi phí độn thêm nếu ở lại.

Trong khi đó, thời điểm này chưa phải là thời điểm đủ điều kiện để áp dụng các điều khoản bất khả kháng, nên doanh nghiệp không thể sử dụng "con bài" này để xử lí. Cuối cùng, vì trắc trở về mặt pháp lí, doanh nghiệp không thể di dời văn phòng, chi phí cứ thế đội lên.

Muốn giảm giá thuê mặt bằng mùa dịch COVID-19, doanh nghiệp chọn giải pháp nào cũng vướng trở ngại - Ảnh 2.

Đối mặt với nhiều khó khăn liên tiếp, trả lời bài toán mặt bằng, doanh nghiệp không có giải pháp hoàn hảo. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Chuyển sang các phương án làm việc tại nhà, làm việc từ xa cũng không đơn giản. Ông Ngọc đồng tình làm việc tại nhà sẽ giảm chi phí, nhưng các phương án này yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo nền tảng công nghệ thông tin tốt, có khả năng chuyển đổi số, tư duy nhân viên trong quát trình làm việc. Theo ông, chỉ khi thực hiện tốt các yếu tố trên, áp dụng chính sách này mới đảm bảo hiệu quả.

Đối với hình thức văn phòng chia sẻ, ông Ngọc thừa nhận dù các lợi ích như chi phí mặt bằng rẻ hơn, chi phí đầu tư ban đầu và khoản tiền cọc tạo ra nhiều rắc rối.

Ông cho rằng hiện tại không giải pháp nào thực sự tốt cho doanh nghiệp, trong khi họ đứng trước rất nhiều khó khăn và buộc phải đưa ra lựa chọn.

"Khó khăn bủa vây tứ phía, chọn giải pháp nào cũng vướng thử thách, trở ngại", ông Ngọc nói.

Lần hai khó khăn hơn lần đầu

Ông Ngọc nhận định, lần đầu Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với các chủ đầu tư về tiền thuê do các yếu tố bắt buộc của chính phủ và các hệ lụy liên quan. Trong khi lần này, doanh nghiệp chủ yếu sử dụng câu chuyện giảm doanh thu, lợi nhuận để đòi hỏi thiện chí từ phía cho thuê.

"Lần một 10 người đi thì 5 người được giảm, lần hai 10 người đi chỉ còn một, hai, thậm chí có người bị chủ đầu tư từ chối thẳng thừng ngay từ đầu vì chưa có gì xảy ra cả, vẫn chưa giãn cách, doanh nghiệp vẫn làm việc bình thường", ông Ngọc nói.

Khẳng định hiện doanh nghiệp nào cũng muốn giảm bài toán chi phí cố định về văn phòng, nhưng không phải ai cũng đạt mục tiêu, ông Ngọc tư vấn doanh nghiệp chủ động đưa ra nhiều giải pháp hơn cho chủ đầu tư. Thay vì yêu cầu chủ đầu tư giảm giá, doanh nghiệp cần chủ động đàm phán, chẳng hạn như đề xuất đóng 15% doanh thu công ty. 

'Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp chọn giải pháp nào cũng vướng thử thách, trở ngại' - Ảnh 3.

Cùng tham gia buổi tọa đàm có các nhân vật chuyên gia khác như ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc và Trưởng phòng Dịch vụ Tư vấn - Cho thuê văn phòng và Khu Công nghiệp CBRE Việt Nam và bà Dương Thị Bích Trâm - CEO MK Creative Group. (Ảnh: VnExpress).

Thay vì trình bày khó khăn, ông Ngọc khuyên doanh nghiệp nên mang đến một số giải pháp có thể phù hợp với bên cho thuê, đồng thời đề xuất một số phương án như chậm chi tiêu, thanh toán ngắn hạn, giảm một phần tiền thuê văn phòng hay biến định phí thành biến phí.

Dẫn dắt Cộng đồng Hỗ trợ Doanh nghiệp CSC, ông cho rằng bản chất không phải doanh nghiệp nào cũng muốn rời đi do chi phí đã bỏ ra và thói quen vận hàng hàng ngày của doanh nghiệp tại địa điểm hiện tại. Bên cạnh đó, ông cũng nói thêm hiện chưa có đủ về mặt pháp lí, về mặt cơ sở thị trường để giúp hai phía đàm phán dễ dàng.

Mặt khác, ông nhận xét lần đầu phía cho thuê đã cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp đi vay chủ đầu tư cũng đi vay, ai ai cũng khó khăn, chủ đầu tư hoàn toàn có thể yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ trước lần này. Hơn nữa, không phải chủ đầu tư nào cũng thông cảm.

Doanh nghiệp phải tự cứu bản thân

Ngoài ra, ông Ngọc khẳng định sự thẳng thắn, thành thật là điều mà doanh nghiệp nên ưu tiên hàng đầu, vì nó liên quan đến đạo đức kinh doanh.

Nếu doanh nghiệp chỉ bị ảnh hưởng 10% doanh thu thì không thể đi đàm phán giảm 20-50% chi phí. 

"Để hai bên đều chiến thắng, không bên nào phải nhận yếu tố bất lợi. Để chứng minh doanh thu giảm, cách hiệu quả nhất của doanh nghiệp hiện tại chính là chân thành và tôn trọng sự thật", ông nói.

Cuối cùng, ông đề cao sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, ví dụ như sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp trong cùng tòa nhà.

Chủ đầu tư có thể hỗ trợ các chi phí phát sinh khác có thể cắt giảm, tiết kiệm đồng nào hay đồng đó. Hay khi doanh nghiệp buộc phải rời đi, chủ đầu tư có thể giới thiệu một bên khác phù hợp hơn.

"Thời điểm khó khăn người ta sẽ không nghĩ đến chuyện cạnh tranh nữa, mà nghĩa đến việc làm sao để cùng nhau sống", ông Ngọc nói.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.