Quanh dự án sân bay Long Thành: Nhiều công ty môi giới làm 'trò mèo' để bán đất nền

Nhiều doanh nghiệp bất động sản "bắt tay" với một số cá nhân gom đất ở địa phương, sau đó các cá nhân này ủy quyền lại cho doanh nghiệp tự nhận mình là chủ đầu tư, tổ chức sự kiện và làm các “trò mèo” để bán hàng.

​​​​​

Môi giới đi gom đất

Sau khi dự án sân bay Long Thành được phê duyệt, giá đất của một số địa phương ở Đồng Nai đồng loạt tăng... chóng mặt. Đặc biệt, giá đất ở huyện Long Thành được giới đầu tư chú ý nên luôn trong tình “sốt hầm hập”.

Không bỏ qua cơ hội "ngon ăn", nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã nhảy vào kinh doanh, lập dự án rồi phân lô bán nền. Thế nhưng hiện nay, một số công ty BĐS lại có những hoạt động mua bán đất nền “tinh quái”, sai pháp luật khiến người tiêu dùng “ôm hận” khi đã xuống tiền.

Tròn 2 tháng viết bài phản ánh về tình trạng "Lại "loạn" giá đất quanh dự án sân bay Long Thành", chúng tôi trở về đây thì phát hiện không chỉ loạn giá đất mà doanh nghiệp môi giới còn làm đủ các "trò mèo" để... câu khách.

quanh du an san bay long thanh nhieu cong ty moi gioi lam tro meo de ban dat nen

Khi UBND tỉnh Đồng Nai cho phép “nới lỏng” việc tách thửa để giải quyết nhu cầu cho người dân thì tình trạng phân lô tách thửa nóng sốt trở lại.

Dọc theo quốc lộ 51 từ TPHCM về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh lộ 769... người mua đất rất dễ dàng bắt gặp “ma trận” quảng cáo được treo khắp tuyến đường, giới thiệu các lô đất với nhiều loại giá cả khác nhau. Khu vực có đất rao bán nhiều nhất vẫn là các xã Bình Sơn và Lộc An (huyện Long Thành), đây là 2 xã chỉ bị giải tỏa một phần diện tích nên được coi là có cơ hội “sinh lời” cho nhà đầu tư. Giá đất được rao bán theo m2 có giá 2,5 - 20 triệu đồng/m2. Giá đất rao bán theo nền diện tích 100m2 từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ/nền tùy từng vị trí.

Đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại địa phương cho biết, gần đây, khi UBND tỉnh Đồng Nai cho phép “nới lỏng” việc tách thửa để giải quyết nhu cầu cho người dân thì tình trạng phân lô tách thửa nóng sốt trở lại.

Quy định mới chỉ cho phép những trường hợp đất đã chuyển đổi thành đất thổ cư và nằm trong khu dân cư hiện hữu mới được chấp nhận việc tách thửa.

Đối với đất nông nghiệp, muốn chuyển qua đất thổ cư phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, được cơ quan chức năng nghiệm thu đủ điều kiện mới được chuyển sang đất ở và tiến hành tách thửa, nhằm tránh trường hợp hình thành những khu dân cư tự phát nhếch nhác.

Quy định chặt chẽ là thế nhưng nhiều công ty môi giới đã "lách luật" bằng cách "bắt tay" với các chủ đất để làm dự án.

Một cán bộ địa chính huyện Long Thành cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản không tuân theo quy định mới của UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành mà coi thửa đất nào đẹp thì phối hợp với một số cá nhân gom đất ở địa phương. Sau đó các cá nhân này ủy quyền lại cho doanh nghiệp bán. "Các doanh nghiệp này vẽ ra một dự án rất bắt mắt rồi tự nhận mình là chủ đầu tư, tổ chức sự kiện và làm các “trò mèo” để bán hàng. Đến khi khách hàng vỡ lẽ ra thì đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp rồi”, cán bộ địa chính cho hay.

quanh du an san bay long thanh nhieu cong ty moi gioi lam tro meo de ban dat nen

Thực tế những "dự án đình đám" đó chỉ là các thửa đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được phân lô tách thửa...

Bán dự án trên giấy

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) huyện Long Thành cho biết, giá nhà đất ở huyện Long Thành có tăng hơn trước nhưng không “nóng sốt” nhưng những thông tin quảng cáo. Thế nhưng, lợi dụng việc nhiều người muốn được sở hữu nhà gần sân bay, các nhà đầu cơ đã bán dự án quy hoạch... trên giấy.

Thực tế những "dự án đình đám" đó chỉ là các thửa đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được phân lô tách thửa...

Đặc biệt, gần đây trên địa bàn huyện Long Thành xuất hiện nhiều công ty môi giới BĐS nhưng tự nhận mình là chủ đầu tư dự án rồi tổ chức sự kiện, bán đất nền trái phép.

Ông Phương cho biết, gần đây ông nhận được nhiều thông tin thắc mắc về hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba và một số dự án mà công ty này đang mua bán trên địa bàn huyện Long Thành.

“Tôi khẳng định tính đến thời điểm này, huyện không giao bất kỳ dự án nào cho doanh nghiệp có tên Công ty cổ phần địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư. Tôi nghĩ đây chỉ là đơn vị môi giới tự cho mình là chủ đầu tư và bán hàng”.

Ông Dương Bình, phụ trách địa chính xã Long Phước, huyện Long Thành cũng khẳng định, Alibaba chỉ là đơn vị môi giới đất của người dân đứng tên với tư cách cá nhân. Hợp đồng bán cho dân công ty tự soạn và không thông báo với địa phương. Khi người dân đến hỏi thì chúng tôi đều trả lời rằng đất không tách thửa được, tạm thời ngưng để chờ sửa đổi Quyết định 25 của UBND tỉnh Đồng Nai về quy định diện tích tối thiểu để tách thửa. Hiện trạng cũng không cho xây dựng trên đó.

quanh du an san bay long thanh nhieu cong ty moi gioi lam tro meo de ban dat nen

Quy định chặt chẽ là thế nhưng nhiều công ty môi giới đã "lách luật" bằng cách "bắt tay" với các chủ đất để làm dự án.

Lãnh đạo phòng TN-MT huyện Long Thành cho biết, nhiều lần phát hiện và ngăn chặn các đơn vị giả chủ đầu tư mua bán đất nền. Thế nhưng, các đơn vị này hoạt động khá tinh vi khi lợi dụng các ngày nghỉ để lén lút chở khách đến chào bán.

Để chấn chỉnh tình trạng mua bán bất động sản bát nháo, huyện Long Thành đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra ngăn chặn kịp thời tình trạng chở khách hàng ở các địa phương khác để rao bán bất động sản... trên giấy. Đồng thời huyện đang tiến hành làm sạch các pano, băng rôn quảng cáo rao bán nhà đất trên đường. Yêu cầu các xã rà soát lại tất cả các khu vực đăng bảng quảng cáo phối hợp với bộ phận văn hóa thông tin xác minh cái nào không phép để xử lý.

"Chúng tôi đề nghị người dân khi đến huyện Long Thành mua nhà đất nên đến cơ quan chính quyền địa phương để được cung cấp thông tin quy hoạch, thông tin dự án... tránh mua phải nhà đất không đảm bảo pháp lý", ông Trương Văn Phương khuyến cáo.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.