CTCP Gemadept (Mã: GMD) vừa cập nhật tình hình kinh doanh 7 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt gần 1.416 tỉ đồng, lãi trước thuế 348 tỉ đồng, lãi ròng 304 tỉ đồng. Trong đó lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 260 tỉ đồng.
Đây là lần đầu sau nhiều năm, Gemadept công bố kết quả kinh doanh cập nhật từng tháng cho các nhà đầu tư nên không có số liệu so sánh với con số thực hiện cùng kì năm trước.
Trước đó, Gemadept công bố kết quả 6 tháng đầu năm với doanh thu đạt 1.208 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 250 tỉ đồng, lần lượt giảm 6,9% và 27,9% so với cùng kì năm trước.
Nguyên nhân chính đến từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc cảng Nam Đình Vũ bị mất một số đối tác dưới áp lực cạnh tranh của cụm cảng Lạch Huyện khiến doanh thu mảng khai thác cảng sụt giảm.
Với nhận định lĩnh vực khai thác cảng và logistics là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, Ban lãnh đạo GMD đã xây dựng hai kịch bản kinh doanh cho năm 2020 gắn với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Kịch bản thứ nhất ứng với mức GDP dự báo tăng 4,8%, kế hoạch doanh thu 2.150 tỉ đồng, giảm 19%, lãi trước thuế 500 tỉ đồng, giảm 29% so với thực hiện 2019.
Kịch bản thứ hai kém khả quan hơn khi GDP chỉ tăng 4%. Công ty đặt mục tiêu doanh thu và lãi trước thuế lần lượt 2.000 tỉ đồng và 400 tỉ đồng, tương ứng giảm 24% và 39%.
Như vậy, nếu so với phương án một, Gemadept đã thực hiện 66% chỉ tiêu doanh thu và 70% chỉ tiêu lợi nhuận. Còn theo phương án 2, doanh nghiệp đã thực hiện được 71% mục tiêu doanh thu và 87% lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm 31/7, tổng giá trị tài sản của công ty là 10.031 tỉ đồng, giảm 90 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn tăng 14% so với đầu năm, lên 900 tỉ đồng.
Tại phía nguồn vốn, nợ phải trả giảm từ 3.553 tỉ đồng còn 3.291 tỉ đồng. Trong đó nợ vay ngắn hạn 715 tỉ đồng, chiếm chủ yếu là khoản vay đến từ CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) 161 tỉ đồng theo lãi suất cố định qui định trong hợp đồng.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm nay, các nhà phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vẫn cho rằng, Gemadept sẽ hưởng lợi từ dòng chảy thương mại của Việt Nam với hệ thống logistics thích hợp và mạng lưới cảng trên toàn quốc.
Cụ thể, GMD vận hành hệ thống 6 cảng trải dài trên khắp các cửa khẩu giao thương chính của Việt Nam. Cùng với đó, doanh nghiệp hiện đang phát triển Gemalink - một trong những cảng container nước sâu lớn nhất tại Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2021.
Vào thời điểm Gemalink bắt đầu hoạt động, tổng công suất xử lí container của các cảng sẽ đạt khoảng 3,4 triệu TEU mỗi năm, tăng 77% so với công suất hiện tại, tạo ra dư địa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nhiều năm tới.
Mặt khác, thông qua các công ty liên kết, Gemadept vận hành một hệ thống hạ tầng logistics tại các khu vực kinh tế trọng điểm, bao gồm các nhà ga hàng hóa hàng không, trung tâm phân phối, vận tải hàng hóa đường biển, dây chuyền kho lạnh và hậu cần ô tô. Những hệ thống này giúp công ty cung cấp dịch vụ quản lí chuỗi cung ứng toàn diện.