Các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự hội thảo "Từ thương chiến Mỹ - Trung đến EVFTA: Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào?", tổ chức hôm nay, ngày 16/7, tại TP HCM, cùng khẳng định Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, nguy cơ cao Việt Nam cũng sẽ trở thành nơi "quá cảnh" của hàng hóa Trung Quốc, nhập khẩu vào Mỹ.
TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc trường Chính sách công và quản lí Fulbright, đồng thời là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, cho biết không thể phủ nhận những ích lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam.
Tuy nhiên thời gian qua, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ cũng có nhiều điểm đáng lưu ý và cần phải cẩn trọng.
TS. Vũ Thành Tự Anh (trái) cho rằng cơ quan quản lí cần phải giám sát sớm việc hàng hoá Trung Quốc "quá cảnh" vào Việt Nam trước khi đi Mỹ trước khi bị tuýt còi. (Ảnh: Phúc Minh).
"Một số hàng Trung Quốc bị đánh thuế quá cao khi vào Mỹ, buộc Trung Quốc phải tìm cách đi khác. Chúng ta có thể nghi vấn một số mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi từ Việt Nam sang Mỹ, như hàng điện tử và nội thất", TS. Vũ Thành Tự Anh nói.
Dẫn chứng về điều này, ông Tự Anh cho biết trong cơ cấu 200 tỉ USD xuất khẩu của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế 25%, hai ngành hàng gần như nổi bật và chiếm tỉ trọng cao nhất là đồ điện tử và gỗ nội thất, với tỉ lệ lần lượt chiếm 24,6% và 16,7%. Việc hai ngành hàng chủ lực bị đánh thuế khi Trung Quốc phải tìm hướng đi khác cho việc xuất khẩu.
Trong khi đó, thống kê 5 tháng đầu 2019, hàng điện tử và nội thất tại Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ lại tăng đột biến. Đáng chú ý, mức độ tăng trưởng lại "khớp" với giá trị nhập khẩu cũng tăng đột biến đến từ thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, hàng nhập khẩu nội thất từ Trung Quốc tăng 35,1%, trong khi mặt hàng này xuất khẩu đi Mỹ tăng 35%. Hàng điện tử nhập từ Trung Quốc tăng đến 81% và mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ tăng 72%.
"Tất nhiên, chúng ta chưa đủ bằng chứng để khẳng định hàng Trung Quốc dùng Việt Nam để quá cảnh sang Mỹ. Tuy nhiên về thực tế, chúng ta có quyền nghi vấn. Bởi trong số hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ các mặt hàng đó giả sử có sự thay đổi thuế thì cũng không có quá nhiều ảnh hưởng, nhưng hiện kim ngạch xuất khẩu của hai mặt hàng này lại tăng đột biến", ông Nguyễn Thành Tự Anh khẳng định.
Thiết bị điện, điện tử và đồ gỗ, nội thất là 2 trong số các mặt hàng của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế nhiều nhất. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Đồng quan điểm này, ông Nestor Sherbey - chuyên gia của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GTFA), cũng cho biết trước đây, 10 công ty nhập hàng hóa vào Mỹ đều có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng hiện đã tăng cường sự xuất hiện của Việt Nam.
Theo ông, một xu hướng gần đây là hàng Trung Quốc được chuyển sang Thái Lan, Việt Nam để gia công thêm rồi xuất khẩu sang Mỹ. Ông Nestor Sherbey cho rằng với nông sản, thực phẩm ít có khả năng Trung Quốc nhờ "quá cảnh", mà gỗ và đồ điện tử là có nguy cơ xảy ra nhiều nhất.
Việc này nhằm trốn thuế mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc do chiến tranh thương mại.
Theo các chuyên gia, nếu việc "quá cảnh" của Trung Quốc không sớm được quản lí chặt chẽ, thì chính Việt Nam tưởng chừng được hưởng lợi nhưng cuối cùng sẽ bị "vạ lây".
Ông Nestor Sherbey cho rằng các thông tin về hàng hóa, xuất xứ của sản phẩm sẽ khó qua mắt được cơ quan Hải quan Hoa Kỳ. Bởi họ có các bài kiểm tra riêng và không phụ thuộc vào cách ghi nhãn của các nước, trong đó có Việt Nam.
"Nếu việc cung cấp thông tin không chính xác, các sản phẩm này sẽ phải chấp nhận sự trừng phạt nặng nề từ phía Hải quan Hoa Kỳ. Nếu có sự lừa đảo trong nguồn gốc hàng hóa, các công ty, quốc gia này cũng sẽ bị áp phạt rất nghiêm trọng", ông Nestor Sherbey, nói.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, nếu doanh nghiệp Việt chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên vấn đề nguồn gốc thật sự của hàng hóa, thì nên nhanh chóng chấm dứt việc "quá cảnh" giúp hàng hóa Trung Quốc để tránh lặp lại bài học từ thép.
Căng thẳng Mỹ - Trung khiến tăng nguy cơ hàng Trung Quốc "quá cảnh" vào Việt Nam nhập khẩu sang Mỹ. (Ảnh minh hoạ: Tiền Phong).
Ông cho rằng điều này không tạo ra sự thay đổi đáng kể cho giá trị hàng hóa của Việt Nam, ngược lại, phải rơi vào cảnh "lợi thì chưa thấy đâu nhưng hại đã có trước mắt".
"Cuộc chiến Mỹ - Trung và EVFTA luôn tạo cơ hội cho Việt Nam, nhưng đồng thời, cũng tạo cơ hội cho nhiều nước như Malaysia, Indonesia, Bangladesh. Dĩ nhiên, nếu cùng có lợi nhưng Việt Nam không cạnh tranh bằng họ thì sẽ thua. Do đó, làm thế nào nâng cao năng lực để giảm chi phí doanh nghiệp, đó mới là yếu tố chính", ông Tự Anh khẳng định.
Theo ông, trước mắt các doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh nội địa từ chất lượng, giá thành, logictics… thì mới vào được thị trường Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.
Giám đốc trường Chính sách công và quản lí Fulbright cũng cho rằng ngay cả các chính sách quản lí cũng phải chặt chẽ, để giám sát tình trạng hàng hóa Trung Quốc mượn Việt Nam làm nơi xuất khẩu sang Mỹ. Đơn cử về mặt hàng điện tử và gỗ, khi đã có dấu hiệu nghi ngờ thì cơ quan chức năng cần giám sát kĩ lưỡng, đồng thời đối thoại cùng lúc với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Việc đối thoại với Hoa Kỳ nhằm thể hiện Việt Nam đã có ý thức về vấn đề, chủ động tìm cách giải quyết và đề nghị hợp tác, chứ không thể đơn phương đến khi Mỹ tuýt còi. Chủ động đối thoại với Trung Quốc để tránh rủi ro từ quá cảnh.
"Đến thời điểm này, vẫn chưa có cảnh báo nào đến từ Hoa Kỳ, bởi bất kì chính sách nào cũng không thể nhìn 1-2 tháng rồi quyết định. Tuy nhiên, sẽ quá trễ nếu như đến lúc họ tuýt còi thì Việt Nam mới vận động", ông Vũ Thành Tự Anh thẳng thắn.