Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA” do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP HCM tổ chức đã diễn ra vào sáng 30/6 tại TP HCM.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này vừa khẳng định vai trò vừa nâng cao vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, cũng như trên trường quốc tế.
"EU27 là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu.
Mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU. Do vậy, Việt Nam đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo đó, với Hiệp định EVFTA, sau khi được kí kết và có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỉ USD.
Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp hiện đang chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU, Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
Bên cạnh đó, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA so với các Hiệp định thương mại khác đã tham gia.
EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, do vậy, lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được kí kết với 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm.
Đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản mà ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả, ca cao, dầu cọ...
"Việc kí kết và thực thi Hiệp định EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, qui cách đóng gói…
Từ đó góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu", Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới sẽ bước vào “sân chơi” lớn, cũng phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới.
Cụ thể rào cản kĩ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ.
Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kĩ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lí chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo qui định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp...
Việc thực thi Hiệp định EVFTA, đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ là sự tiếp nối trong quá trình tuân thủ các yêu cầu này từ phía EU.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, về tổng thể, thành phố vẫn chưa khơi dậy hết tiềm năng 20.000 doanh nghiệp trên địa bàn. Kim ngạch nông, lâm, thủy sản thành phố chỉ chiếm 1 phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
EVFTA là động lực tái cơ cấu kinh tế, cơ hội cho Việt Nam và thành phố nó riêng phục hồi sau COVID-19.
Nhưng thách thức lớn là doanh nghiệp vừa nhỏ ở thành phố chiếm hơn 90%. Nhiều doanh nghiệp còn yếu về kĩ năng quản trị. Các điều kiện, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm luôn là rào cản lớn mà EU đặt ra.
Vì thế, thành phố cần tập trung công tác tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung cam kết để hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. "Đồng thời cải cách hành chính, thủ tục để TP HCM tham gia chuỗi toàn cầu; hình thành chuỗi giá trị, nâng cấp tiêu chuẩn hàng hóa lên tầm mới, tránh được xu hướng bảo hộ toàn cầu", ông Phong cho biết.
Bên cạnh đó, EVFTA có ưu đãi về những qui định SPS linh hoạt nhưng với một số ngành hàng nông, thủy sản của nước ta như hồ tiêu, chè, rau quả... mặc dù chất lượng sản phẩm trong thời gian qua đã được cải thiện, tuy nhiên trước hàng rào kĩ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của EU và để phát triển xuất khẩu một cách bền vững, ngành nông nghiệp của Việt Nam cần phải tổ chức lại sản xuất.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan liên quan cũng như các địa phương cùng phối hợp tiếp tục phổ biến về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NNN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU.
"Kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các qui định, tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sản phẩm của EU để các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong thời gian tới", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ngoài ra trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp về việc chưa rõ những bước cụ thể, các hồ sơ cần có để hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang EU theo EVFTA, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết sẽ cử đoàn công tác vào làm việc với doanh nghiệp để hướng dẫn hỗ trợ.
Trên cơ sở đó sẽ mở rộng mô hình và thông tin cho các doanh nghiệp khác thuộc các ngành nghề nông lâm nghiệp có đầy đủ thông tin và tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại cho Việt Nam.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thống nhất với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đồng thời khẳng định sẽ đơn giản hóa các thủ tục liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hưởng các ưu đãi từ hiệp định này.
"Quan điểm của chúng tôi là phải thực hiện theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu nhưng không phải là ban hành thêm thủ tục hay giấy phép con làm khó cho doanh nghiệp.
Thậm chí có những điều kiện mà nếu Nghị định trình Chính phủ chưa kịp thông qua chúng tôi cũng nghiên cứu có cơ chế tạm thời để hỗ trợ cho doanh nghiệp", ông Trần Tuấn Anh cho biết.