Theo bảng xếp hạng các thương hiệu hàng đầu thế giới BrandZ của Công ty tư vấn Kantar công bố vào hôm nay, Amazon tiếp tục giữ vị trí quán quân thương hiệu có giá trị cao nhất toàn cầu, ở mức 415,9 tỉ USD, tăng gần 33% so với năm 2019.
Được ủy quyền bởi tập đoàn quảng cáo lớn nhất thế giới WPP, Kantar xem xét hơn 17.000 thương hiệu tại 51 quốc gia, xây dựng nên bản xếp hạng BrandZ.
Bảng xếp hạng BrandZ đánh giá và xếp hạng Top 100 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu mỗi năm, bằng cách kết hợp giá trị vốn hóa thị trường của công ty cùng nghiên cứu hơn 3,8 triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới.
Người tiêu dùng được khảo sát kết hợp trực tiếp và trực tuyến trong khoảng thời gian một năm. Theo Kantar, tỉ lệ sai sót cho dữ liệu khảo sát dưới 3% đối với một thương hiệu điển hình.
Trong khi các tin tức về đại dịch COVID-19 kéo thị trường cổ phiếu tụt dốc trong tháng 3, giá cổ phiếu của các ông lớn công nghệ ghi nhận mức tăng trưởng chóng mặt. Điển hình là Amazon, nền tảng thương mại trực tuyến cung cấp các mặt hàng tiêu dùng. Hãng ghi nhận lượng đơn hàng tăng đột biến trong tháng 4, khi hàng loạt các cửa hàng bách hóa truyền thống phải đóng cửa vì dịch.
Theo báo cáo của Kantar, dù nguyên do dẫn đến sự tăng tưởng này là vì người tiêu dùng không còn cách nào khác ngoài việc phụ thuộc vào giao hàng tận nhà giữa tình hình dịch bệnh phức tạp, Amazon cũng chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình với người tiêu dùng.
Đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách này là Apple, với giá trị thương hiệu ở mức 352,2 tỉ USD, theo sau là Microsoft với trị giá 326,5 tỉ USD.
Như vậy, Microsoft đã vượt mặt Google trở thành thương hiệu có giá trị lớn thứ ba thế giới. Theo Kantar, sự "soán ngôi" này một phần do nhu cầu sử dụng phần mềm tương tác Microsoft Teams tăng vọt, khi hàng triệu người lao động được yêu cầu làm việc tại nhà do đại dịch COVID-19.
Đối thủ tại châu Á của Amazon - Alibaba, đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng BrandZ. Giá trị thương hiệu sàn thương mại điện tử do tỉ phú Jack Ma sáng lập là 152,5 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2019.
Kantar nhận định các thương hiệu cho phép người dùng điều hướng cuộc sống thường ngày thông qua các thiết bị số, giúp họ có được sự thuận tiện và thoải mái. Đa số có giá trị thương hiệu tăng hoặc ít nhất tăng trưởng vượt trội hơn so với các công ty khác cùng danh mục.
Ông David Roth - Chủ tịch của BrandZ, trong một bản tuyên bố gửi đến CNBC, cho rằng các thương hiệu đang có khả năng sống sót qua cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại tốt hơn so với giai đoạn năm 2008-2009.
Kantar cũng ghi nhận nhiều thương hiệu Trung Quốc có kết quả khả quan trong bảng xếp hạng. JD.com – đối thủ lớn nhất của Alibaba tại Trung Quốc, có giá trị thương hiệu tăng 24%, lên 25,5 tỉ USD.
Ứng dụng chia sẻ video trực tuyến TikTok là gương mặt mới triển vọng nhất trong danh sách Top 100, với định giá là 16,9 tỉ USD, được xếp cao hơn các thương hiệu lâu đời như KFC, Uber và Adidas.
"TikTok là một trong những thương hiệu sáng tạo và thú vị nhất lọt vào Top 100 mà chúng tôi ghi nhận được trong một thời gian dài, và cũng là kẻ làm thay đổi cuộc chơi trong suốt cơn đại dịch này", CNBC dẫn lời Elspeth Cheung - người đứng đầu bộ phận định giá thương hiệu Brandz toàn cầu tại Kantar.
Dù được đánh giá cao, thương hiệu đáng giá nhất của ByteDance vẫn bị lấn át bởi mạng xã hội chia sẻ hình ảnh đối thủ Instagram của Facebook, được định giá 41,5 tỉ USD.
Tổng giá trị 100 thương hiệu trong bảng xếp hạng BrandZ ước tính cán mốc 5.000 tỉ USD, tăng 5,9%. Con số này thấp hơn mức dự đoán thời trước COVID-19, với giá trị tổng 100 thương hiệu dự kiến sẽ tăng 9%, theo Kantar.