Chiều 12/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn và các ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Liên quan đến mô hình của sở giao dịch chứng khoán, Uỷ ban Kinh tế nêu hai phương án.
Phương án 1, như Chính phủ trình, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Thẩm tra dự án luật tại kì họp thứ 7, đa số ý kiến cho rằng quy định như dự thảo luật về thực chất vẫn duy trì hai công ty con (là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM) hoạt động cùng một ngành nghề, với chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau là không hợp lí và đi ngược với xu thế chung của thế giới.
Theo đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án: Chỉ có 1 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán.
Phương án này bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của thị trường, minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật. Theo đó, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lí theo hướng sửa đổi tên gọi Sở giao dịch chứng khoán thành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại các điều, khoản liên quan và bổ sung quyền, nghĩa vụ theo Quyết định số 32/QĐ-TTg.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán; đồng thời bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 43 của dự thảo Luật, theo hướng: "Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, nhưng phải bảo đảm Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của các đơn vị tổ chức thực hiện giao dịch chứng khoán” để bảo đảm giữ vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù quan trọng này.