Sở Xây dựng: Hà Nội có 89 dự án nhà ở thương mại với 53.644 căn hộ cuối năm 2020

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, trong năm 2020, trên địa bàn thành phố có 5 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với 5.348 căn hộ; 89 dự án nhà ở thương mại với 53.644 căn hộ và 5 dự án nhà ở tái định cư 1.723 căn hộ.

Cổng Thông tin điện tử TP Hà Nội đưa tin, ngày 22/12, Thường trực Thành ủy đã làm việc với Sở Xây dựng về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng và ngành Xây dựng năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết: Trong năm 2020, trên địa bàn thành phố có 5 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, với 550.281m2 sàn tương ứng với 5.348 căn hộ; 89 dự án nhà ở thương mại, tương ứng 6.571.944 m2 sàn, 53.644 căn hộ; 5 dự án nhà ở tái định cư, tương ứng 154.270 m2 sàn, 1.723 căn hộ.

Hà Nội có 89 dự án nhà ở thương mại với 53.644 căn hộ hoàn thành năm 2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Zingnews).

Sở Xây dựng cũng đã chủ trì xây dựng dự thảo Đề án "Cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội", lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng. Hiện nay, đang tiếp tục hoàn chỉnh Đề án theo góp ý của Bộ Xây dựng và tham mưu, báo cáo UBND thành phố.

Cũng trong năm 2020, Thanh tra Sở này tiến hành 8 cuộc thanh tra, 45 cuộc kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, đã ban hành 73 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt 2.482,5 triệu đồng. 

Các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tiến hành kiểm tra 18.878 công trình, phát hiện, lập hồ sơ xử lý đối với 402 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 2,13%. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở đã tập trung, quyết liệt, hoàn thành xử lý công trình vi phạm về trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực, đã bàn giao cho chủ đầu tư để hoàn thiện công trình.

Giám đốc Sở Xây dựng đã nêu ba nhóm kiến nghị với lãnh đạo thành phố. Trong đó, kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện liên quan xây dựng phương án giá nước sạch và cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư cấp nước nông thôn; chỉ đạo các quận, huyện xây dựng đề án xây dựng các vườn hoa, sân chơi tại các khu đất xen kẹt, nhỏ lẻ; 

Các huyện chuẩn bị lên quận tập trung xây dựng các dự án xử lý nước thải; chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện "Đề án thí điểm cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội" trên cơ sở hoàn chỉnh Đề án trước đây, với 5 khu chung cư cũ triển khai thí điểm...

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, Sở Xây dựng còn một loạt các quy hoạch, chương trình chưa hoàn thành, trong đó có chương trình phát triển đô thị kèm theo kế hoạch phát triển đô thị nhiều năm chưa xây dựng xong; một số cơ chế, chính sách, nhất là giá, phí hiện nay còn đang vướng; việc đầu tư một số công trình, dự án của ngành còn hạn chế, hiệu quả thấp, việc đầu tư còn chưa đồng bộ... 

Bên cạnh đó, tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm nhưng số tuyệt đối còn rất lớn; một số vi phạm, tồn đọng chưa được xử lý hết, gây bức xúc; úng ngập tại một số điểm chưa được giải quyết; công tác quản lý nhà tái định cư còn bất cập, còn để lãng phí các diện tích ở tầng 1; việc đầu tư cải tạo các khu chung cư cũ chưa có chuyển biến... 

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu ngành Xây dựng cần nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế này để tập trung khắc phục.

Bí thư cũng đề nghị Sở Xây dựng trong năm 2021 cần chọn những việc cụ thể để tạo chuyển biến, như: rà soát, đôn đốc xây dựng công viên, cây xanh tại các ô đất xen kẹt ở các quận, huyện; xây dựng đề án khai thác phần diện tích tầng một của các khu chung cư tái định cư, không để nhếch nhác, lãng phí; xây dựng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của ngành...

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.