Thông tin từ Báo Bắc Giang, từ cuối năm ngoái đến nay, toàn huyện Yên Dũng đã tổ chức đấu giá thành công hơn 300 lô đất ở, giúp địa phương tăng thu ngân sách. Tổng số tiền thu từ sử dụng đất đạt gần 1.000 tỷ, gần gấp đôi so với kế hoạch đề ra và đạt cao nhất từ trước đến nay.
Chỉ tính riêng trong tháng 8, tại địa phương này đã diễn ra liên tiếp nhiều phiên đấu giá đất trên địa bàn. Ngày 27/8, toàn bộ 33 lô đất ở thuộc thôn Thượng Tùng, xã Lão Hộ đã được đấu giá thành công, tổng giá trúng hơn 104 tỷ.
Trước đó vào 17/8, phiên đấu giá 72 lô đất ở thuộc tổ dân phố Hương, thị trấn Tân An đã hút 339 người đấu giá, với gần 1.000 hồ sơ đăng ký tham gia. Các lô có diện tích 96 - 186 m2, tổng giá trúng của toàn bộ các lô đất là hơn 181 tỷ, tăng hơn 66,6 tỷ so với giá khởi điểm.
Lô có giá trúng cao nhất là hơn 5 tỷ, diện tích 157 m2 (khoảng 31,9 triệu/m2), chênh 2,3 tỷ so với giá khởi điểm. Người trúng đấu giá là một khách hàng ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Lô trúng thấp nhất 2 tỷ, chênh 665 triệu so với giá khởi điểm.
Ngày 10/8, phiên đấu giá 53 lô đất ở tại xã Tư Mại, Cảnh Thuỵ đã thu hút 166 khách hàng tham gia với 521 hồ sơ đăng ký. Kết quả, tổng các lô trúng đấu giá hơn 148 tỷ, tăng 47,4 tỷ so với giá khởi điểm, trung bình mỗi lô tăng gần 1 tỷ. Khách hàng trúng đa phần là nhà đầu tư, nhu cầu ở thực rất ít. Sau khi trúng đấu giá, một số người đã sang tay ngay kiếm lời. Giá chênh lệch dao động 70 - 100 triệu/lô.
Ngày 4/8, phiên đấu giá 26 lô đất trên thuộc xã Tư Mại và thị trấn Nham Biền thu hút 109 khách hàng tham gia với 264 hồ sơ. Các lô đất có tổng giá trúng là 64 tỷ, chênh 19 tỷ so với giá khởi điểm. Lô trúng cao nhất 127,6 m2, khu dân cư mới xã Tư Mại) trị giá gần 4,5 tỷ, chênh hơn 1,7 tỷ so với giá khởi điểm thuộc về khách hàng ở phường Vân Trung, thị xã Việt Yên...
Trao đổi với người viết, chị T., một môi giới chuyên đất nền Bắc Giang lý giải, một phần nguyên nhân khiến các phiên chợ đất ở huyện Yên Dũng thu hút nhiều người tham gia trong thời gian qua là bởi thông tin sáp nhập huyện này vào TP Bắc Giang.
“Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khi sáp nhập vào thành phố, giá đất huyện Yên Dũng sẽ tăng theo thời gian và có khả năng sinh lời. Bên cạnh đó, đất đấu giá vẫn luôn là phân khúc được lòng người mua bởi tính đảm bảo về mặt pháp lý, đã xây sẵn hạ tầng sạch đẹp, không lo sau này sẽ xảy ra việc tranh chấp như mua đất trong dân”, chị T. nói.
Theo chị T., thị trường đất nền Yên Dũng hiện có nhiều tiềm năng tăng giá hơn so với những địa phương khác trong tỉnh, có nhiều phiên đấu giá được địa phương tổ chức từ đầu năm. Ngoài thông tin sắp sáp nhập địa giới hành chính vào TP Bắc Giang thì nơi đây còn là thủ phủ công nghiệp, phía nam giáp Quế Võ (Bắc Ninh), có đường ĐH5B kéo dài đi qua giúp thuận lợi giao thương, thu hút đầu tư.
Trong khi đó, TP Bắc Giang thì hiện không còn nhiều quỹ đất đấu giá, ít phiên được tổ chức, mặt bằng giá đã đạt ngưỡng cao. Một số huyện khác ở xa trung tâm như Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế có giá đất rẻ hơn, chỉ khoảng vài trăm triệu một thửa, song địa hình nhiều đồi núi.
Chị T. cho biết vài tháng trở lại đây nhận được nhiều cuộc gọi của nhà đầu tư để hỏi giá và tư vấn đất nền ở Yên Dũng. Trong đó, những thửa đất gần khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, khu công nghiệp Yên Lư hay cụm công nghiệp Nham Sơn được quan tâm hơn cả.
Đa phần những lô đất đấu giá sở hữu vị trí đẹp, gần các khu công nghiệp, đường rộng và thoáng tiện cho xe cộ đi lại ở huyện này hiện được rao phổ biến với giá từ 2 tỷ trở lên trên thị trường. Sau khi mua, chủ đất nếu không ở thì có thể xây nhà trọ cho công nhân thuê hoặc mở hàng quán để khai thác dòng tiền ngay.
Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bắc Giang, không chỉ từ tháng 8 mà trước đó, các phiên đấu giá đất nền đã có giá trúng tăng cao, thanh khoản khởi sắc.
Ngoài các phiên chợ đất ở huyện Yên Dũng, giữa tháng 6, huyện Hiệp Hòa cũng tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng 76 lô thuộc Khu đô thị số 4, thị trấn Thắng, diện tích 96 - 155 m2/lô. Đây là phiên thứ 5 tính từ đầu năm trên địa bàn huyện với gần 200 khách hàng, nộp tổng số 526 hồ sơ.
Khách hàng tham gia có nhiều người đến từ Bắc Ninh, Hà Nội chứ không dừng lại là người trong tỉnh như những phiên trước. Kết quả 75/76 lô đất được đấu giá thành công (một lô không có khách hàng trả giá). Tổng giá trúng hơn 176 tỷ, tăng gần 50 tỷ so với giá khởi điểm.
Ngày 1/6, phiên đấu giá 87 lô đất ở tại các thị trấn Cao Thượng, Nhã Nam và các xã Song Vân, Ngọc Vân, Phúc Hòa của huyện Tân Yên có gần 200 khách hàng tham gia với gần 700 hồ sơ. Đây cũng là phiên đấu giá thứ 5 kể từ đầu năm trên địa bàn huyện này. Kết quả, 84/87 lô đất đấu giá thành công, 3 lô không thành là do một lô không hợp lệ và 2 lô không có người trả giá. Tổng giá trúng của 84 lô đất là hơn 130 tỷ, chênh hơn 54 tỷ so với giá khởi điểm.
Ngày 26/5 , phiên đấu giá 60 lô đất ở tại xã Việt Lập và Liên Sơn (huyện Tân Yên) thu hút hơn 200 khách hàng với gần 700 hồ sơ tham gia. 58/60 lô đất được đấu thành công với tổng giá trúng hơn 132 tỷ, chênh gần 57 tỷ so với giá khởi điểm.
Khách hàng trúng đấu giá đa phần là khách hàng ở TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Lạng Giang, Hiệp Hoà và tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 7/5, phiên đấu giá 61 lô đất ở tại xã Đại Hóa (huyện Tân Yên) có gần 300 khách hàng tham gia với hơn 1.000 hồ sơ. Tất cả các lô được đấu thành công, tổng giá trúng là hơn 107 tỷ, tăng gần 60 tỷ so với mức khởi điểm.
Sáng 19/3, thị xã Việt Yên tổ chức đấu giá 60 lô đất ở tại phường Bích Động. Có 306 khách hàng tham gia với 1.008 hồ sơ. Kết quả, 57/60 lô đất có khách hàng trả giá với tổng giá trúng hơn 117,6 tỷ, chênh so với giá khởi điểm hơn 45,8 tỷ. Lô đất có giá trúng cao nhất hơn 3,92 tỷ, rộng hơn 211 m2, chênh so với giá khởi điểm hơn 1,2 tỷ và thuộc về khách hàng ở Bắc Ninh.
Tại hội thảo do Tạp chí The Leader tổ chức vào cuối tháng 7, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGOHomes đánh giá, bắt đầu từ tháng 3/2024, các thị trường tỉnh đã tốt dần. Đến thời điểm hiện tại, thị trường không quá sôi động nhưng vẫn duy trì được nhịp khả quan. Đất nền Bắc Giang là một trong hai thị trường tỉnh tốt nhất hiện nay (cùng với Hưng Yên).
Nhà đầu tư đang dịch chuyển dần ra những tỉnh ven Hà Nội, theo các trục kinh tế liên quan đến khu công nghiệp, theo các trục đường giao thông phát triển như Bắc Ninh - Bắc Giang; Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh. Dự báo đây sẽ là những thị trường tỉnh tiềm năng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, từ tháng 1 năm nay, đất nền có dấu hiệu phục hồi ở trong nội thành TP HCM và Hà Nội. Từ quý II, lan ra các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc (gần Hà Nội) và Long An, Bình Dương (gần TP HCM).
Song theo vị này, đất nền khó là vua của bất động sản trong giai đoạn tới bởi nguồn cung bị hạn chế do siết phân lô bán nền. Bên cạnh đó, Luật Đất đai mới đã quy định rõ các điều kiện để tách thửa, hoạt động này sẽ gặp khó khăn hơn. Nguồn cung ít, giá sẽ tăng, song tổng lượng giao dịch không tăng, thị trường sẽ tái diễn lại tình trạng như chung cư bây giờ.
Tại hội thảo của Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh diễn ra hồi cuối tháng 8, chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng cho rằng, thị trường hiện nay có nhiều điều khó đoán vì vẫn còn nhiều người đang ôm hàng.
Cụ thể, thị trường thường bị dẫn dắt bởi nhà đầu tư, mà hiện nay, nhà đầu tư đang bị kẹt vốn nên không thể dẫn dắt được nữa. Trừ khi có một số thông tin mang đến động lực lớn như tăng trưởng kinh tế, thu nhập tăng. Để tạo ra một làn sóng hay cơn sốt đất là rất khó.